Nếu bạn không dạy con sớm về tiền thì sau này các "chủ nợ" sẽ dạy cho con của bạn

( PHUNUTODAY ) - Dạy trẻ hiểu biết sớm về tiền và giá trị của đồng tiền chính là dạy con bạn trưởng thành và vững vàng trong tương lai. Bạn biết đây nếu để chủ nợ dạy thì bài học rất cay đắng chua chát.

Nhiều người cho rằng cho trẻ tiếp xúc sớm với tiền sẽ khiến trẻ có lối sống thực dụng toan tính sớm. Nhưng nhiều người thành đạt đã cho thấy không phải vậy. Hiểu đúng về tiền và giá trị đồng tiền thì người đó sẽ biết trân trọng sức lao động và biết quản lý đồng tiền một cách ý nghĩa. Tác giả cuốn sách cha giàu cha nghèo, một người Mỹ gốc Nhật, ông Robert Kiyosaki đã nói một câu khiến nhiều người tâm đắc rằng: "Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi sợ bạn và con cái của bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn".

tre hoc ve tien

Thế nên nhiều cha mẹ tiên tiến họ đã cho trẻ tiếp cận giáo dục tài chính từ sớm. Người dân Do Thái còn dùng tiếng leng keng của tiền để chào đón một em bé ra đời. Những em bé từ 3 tuổi đã được cha mẹ giảng dạy về tiền. Họ cũng cho trẻ sớm chơi với trò đoán giá trị tiền để biết về tiền. Đặc biệt giáo dục con về tiền là để trẻ hiểu tiền tạo ra từ sức lao động chứ không phải từ túi của cha mẹ.  Cựu Thủ tướng Đức bà Angela Merkel từng cho rằng giáo dục con trẻ về tiền là khóa học bắt buộc và quan trọng như vai trò của tiền là trọng tâm của gia đình. 

Những cách giúp bạn giáo dục con về tiền

Đừng gọi là "tiền tiêu vặt" mà hãy nói "tiền công"

Hãy cho con hiểu tiền được sinh ra từ giá trị lao động chứ không phải cha mẹ tự dưng có tiền và con chỉ cần đòi, xin vòi vĩnh là có. Thế nên thay vì cho con tiền một cách dễ dãi, hãy tạo cho con công ăn việc làm khi trao tiền cho trẻ. Ví dụ hãy cho bé làm việc nhà. Trẻ sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn và sẽ không bao giờ coi thường đồng tiền. 

Chơi trò chơi liên quan tới chi tiêu

Có những trò chơi thú vị dạy con bạn về tiền như trò cờ Monopoly và Life. Thay vì những trò chơi nhàm chán bạn thỉnh thoảng hãy cùng con chơi trò để phát huy khả năng chi tiêu. Báo cáo gần đây của các nhà nghiên cứu Đại học Cambridge (Anh) tiết lộ rằng thói quen tiền bạc của trẻ được hình thành từ năm 7 tuổi. Chính vì thế đừng bao giờ cho rằng là quá sớm để giáo dục con cái về tiền và quản lý tiền.

Dạy con cách sẻ chia

Trẻ em học được từ những hành động của người lớn. Bạn chia sẻ với người khác về tiền thông qua hoạt động công ích từ thiện, giúp đỡ người nghèo, mua tặng hàng xóm khó khăn thức ăn... thì con bạn cũng sẽ học được tính hào hiệp của bạn. Bạn cũng nên khuyến khích biết chia sẻ về tiền để hiểu giá trị của chúng có thể làm những điều tốt đẹp chứ không chỉ là những trò thực dụng. Bạn có thể khuyến khích con mở một phần tiền cho vào phần từ thiện để khuyến khích hoạt động nhân ái của trẻ. 

Nên chi tiền tiêu vặt cho con hàng tuần thay vì hàng ngày

Cách làm này giúp con trẻ có thời gian để tiêu tiền và lên kế hoạch tránh tình trạng thoải mái tiêu tiền, không cần lo nghĩ. Cho trẻ tự sắp xếp việc chi tiêu. Việc cho cả tháng thì số tiền lại lớn lên nên con bạn có thể chi tiêu vung phí đầu tháng và cuối tháng lại hết. 

tre tieu tien

Khuyến khích con tiết kiệm

Hãy cho con một món đồ tiết kiệm tiền, hãy khuyến khích con chia làm 3 phần, thứ nhất để chi tiêu, thứ 2 để tiết kiệm, thứ 3 để từ thiện. Cách làm này dạy con hình thành được tư duy phân bổ tiền hơn nữa khuyến khích con bạn trở thành người tốt hơn khi biết học chia sẻ cho người khác bên cạnh giữ cho mình. 

Cho con tham gia cuộc họp chi tiêu gia đình

Điều này phụ thuộc vào cách sống của gia đình bạn có thói quen này không. Nếu có những cuộc họp như vậy và khi con lớn một chút, hiểu những chuyện gì đang xảy ra, bạn có thể cân nhắc cho con tham gia để con hiểu được việc tiêu tiền như thế nào phải căn tính và tiết kiệm trân trọng đồng tiền ra sao. Thông qua đây, con bạn cũng học được cách kiểm soát, phân bổ lên kế hoạch chi tiêu tiền tốt hơn

Công thức 3 'lọ' tiền: Chi tiêu - Tiết kiệm - Cho đi

Nhiều người lớn bắt đầu áp dụng chia tiền lương của mình thành các gói khác nhau, có người chia làm 5 gói, có người lại tận 7. Với trẻ con thì đương nhiên là nên chọn cách đơn giản hơn. Công thức phổ biến nhất là chia làm 3 quỹ bao gồm: 40% chi tiêu - 50% tiết kiệm và 10% cho đi.

Con được phép dùng tiền trong khoản chi tiêu để mua bánh, kẹo, đi chơi và thứ cho cá nhân. Lọ tiết kiệm giúp con tiết kiệm từ nhỏ có thể giúp cho con có một khoản tiền để học tập hoặc nâng cấp cho đồ dùng cá nhân của bản thân. Lọ cho đi để con đóng góp cho xã hội và chia sẻ với những người khó khăn, giúp đỡ bạn bè của mình. 

Cha mẹ hãy là tấm gương cho con

Vì cha mẹ là tấm gương của con cái thế nên bạn nói dối về tiêu tiền thì con bạn sẽ học điều đó. Hãy cân nhắc khi mua hàng, đừng vung phí và ngẫu hứng, trẻ cũng sẽ học điều đó rất nhanh. Và nếu bạn xem tiền là tất cả thì con cũng sẽ học điều đó từ bạn. 

Hãy để con được mắc sai lầm

Đôi khi sai lầm khiến trẻ lớn lên nhớ lâu và có bài học giá trị hơn. Nên nhiều khi biết là con sẽ sai mà vẫn phải để con sai lầm. Có những lúc bạn không cần can thiệp ngay mà để cho con được phép sai. Chuyện kể rằng: Một ông bố đưa con đi chơi, con đã nướng tiền vào trò chơi mà ông không ngăn cản. Khi con quay sang xin tiền chơi thêm, ông kiên quyết không cho. Nhưng đó chính là bài học cho con để con biết rằng tiền có không dễ dàng nếu không biết chi tiêu thì bao nhiêu cũng hết. Đứa con đã học được bài học khi thấy hậu quả.

Bài học về tiền là không đơn giản nhưng bạn bắt buộc phải dạy cho con nếu không muốn sau này con bạn sống trong túng thiếu nợ nần. 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn