Những nghệ sĩ Việt đã ra đi năm 2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bên cạnh những giải thưởng lớn mang lại niềm vui cho các nghệ sĩ Việt, năm 2013 cũng là một năm công chúng chịu nhiều sự mất mát khi rất nhiều nghệ sĩ ra đi. Họ ra đi để lại những sản phẩm âm nhạc, sản phẩm nghệ thuật, vai diễn... mà khán giả sẽ ghi nhớ mãi.

Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh

Wanbi Tuấn Anh đã vĩnh viễn từ bỏ cõi trần vào ngày 21/7 sau một thời gian dài đấu tranh với căn bệnh u não hiểm nghèo. Nam ca sĩ đã qua đời ở tuổi 26 và thực sự là nỗi tiếc thương cho người thân và khán giả.

Căn bệnh của Wanbi Tuấn Anh bắt đầu vào giữa năm 2009, sau khi cha anh đột ngột qua đời. Từ đó, chàng ca sĩ này cũng phát hiện ra thị lực của mình càng ngày càng suy kém. Và sau nhiều lần nỗ lực triều trị, qua Singapore chữa bệnh, Wanbi Tuấn Anh đã trở về Việt Nam, tiếp tục chống chọi với bệnh tật trước khi qua đời.

Trong sự nghiệp ca hát, anh cũng đã có nhiều bài hit như: Đôi mắt, Cho em, Vụt mất..., và anh cũng đã tự sáng tác những ca khúc hoặc viết lời Việt đang là hit trên nhiều diễn đàn như Cho em, Từng ngày qua, Dạ khúc...

Nghệ sĩ Văn Hiệp

Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942 tại Thanh Trì, Hà Nội. Ông là thế hệ đầu tiên học tại trường Sân khấu điện ảnh lớp diễn viên cùng khoá Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu…

Nghệ sĩ qua đời lúc 5h ngày 9 tháng 4 tại nhà riêng. Văn Hiệp được đồng nghiệp biết đến với những vai "nghiêm túc" trên sân khấu kịch Nhà hát Kịch Việt Nam như: vai Vinh trong vở Bài ca Điện Biên; vai Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến... Trên phim ảnh, Văn Hiệp thường “đóng đinh” với những dạng vai nông dân chất phác, hiền lành, thật thà và tốt bụng... Nghệ sĩ ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác ông đã khiến cho nhiều người phải rơi lệ vì tiếc thương.

Nghệ sĩ Tuấn Dương

Nghệ sĩ Tuấn Dương đã từng tham gia các bộ phim nổi tiếng như: "Đất và người", "Làng ven đô", "Chuyện đã qua", "Lều chõng", "Lập trình cho trái tim"... và bao giờ ông cũng gắn liền với hình ảnh người nông dân hiền lành, chân chất hay "sắm" cho mình một vai hài hước, kết nối các nhân vật trong phim lại với nhau.

Ngoài tham gia diễn kịch ông còn bén duyên với truyền hình trong các vai diễn hài của chương trình “ gặp nhau cuối tuần” hay các bộ phim truyền hình dài tập: “Đất và người”, “Chuyện đã qua”, “Lều chõng”…

Diễn viên Tuấn Dương đã qua đời sáng ngày 2/12 vì căn bệnh ung thư vòm họng.

Nhạc sỹ Phạm Duy

Cây đại thụ của làng nhạc Việt Nam -  nhạc sỹ Phạm Duy đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 27/1/2013 tại bệnh viện 115, TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi.

Trước đó, ông phải điều trị một thời gian khá dài về bệnh tim, gan, gút và đã từng trải qua hai lần phẫu thuật tim. Cũng có người cho rằng, sự ra đi đột ngột của nhạc sỹ Duy Quang- con trai trưởng nhạc sỹ Phạm Duy vào cuối năm 2012 đã ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và tâm lý của ông. Sau cái chết của con, sức khỏe của nhạc sỹ Phạm Duy giảm sút nặng nề.

Nhạc sỹ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, ông sinh ngày 5/10/1921 tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Nhạc sỹ Phạm Duy kết hôn với ca sỹ Thái Hằng và là cha của những nghệ sỹ nổi tiếng như Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Cường.

Trong sự nghiệp của mình, ông được biết đến với vai trò nhạc sỹ,  ca sỹ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc. Ông được xem là một trong những nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc Việt Nam với số lượng nhạc phẩm đồ sộ cũng như đa dạng thể loại (nhạc cách mạng, nhạc quê hương, nhạc tình đôi lứa, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca...).  Cùng với sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị.

Trong 70 năm sự nghiệp, nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại một gia tài đồ sộ lên tới cả nghìn bài hát. Từ ca khúc đầu tay "Cô hái mơ" (năm 1942), cho đến nay, nhiều ca khúc của ông đã ghi dấu trong lòng người yêu nhạc Việt như "Tình ca", " Đưa em tìm động hoa vàng", "Tiếng thu", "Ngậm ngùi", trường ca "Hàn Mặc Tử", "Cây đàn bỏ quên",   "Áo anh sứt chỉ đường tà"....

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: Nhớ về Hà Nội, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Trở về dòng sông tuổi thơ... đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 9/1/2013, thọ 82 tuổi.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp, tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà.

Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (khoảng 1955 đến 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ: Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác…

Dấu ấn trong sáng tác sau 1975 của nhạc sỹ Hoàng Hiệp là ca khúc: Trở về dòng sông tuổi thơ, Con đường có lá me bay (1977), Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em (ca khúc trong phim Tội lỗi cuối cùng)...

Hầu hết những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ. Ca khúc Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp được coi là một trong những tuyệt phẩm hay nhất viết về Hà Nội được nhiều ca sỹ nổi tiếng như Hồng Nhung, Tùng Dương thể hiện.

NSND Bạch Diệp

Nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam tạ thế sáng 17/8/2013. Trải qua hai cuộc hôn nhân với nhà thơ Xuân Diệu và ông Nguyễn Đức Tường, nhưng NSND Bạch Diệp không có con. Bà sống những ngày cuối đời trong đơn độc.

NSND Bạch Diệp ra đi, nhưng những thước phim với cách nhìn cuộc sống trong sáng, lạc quan, giàu tính nhân văn của bà như Tia nắng lung linh, Mùa hoa ban đỏ, Điện Biên Phủ, Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ… sẽ còn mãi.

Ca sĩ - thần đồng Nhật Sơn bị bạn tình đồng tính sát hại

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ca sĩ Nhật Sơn được thừa hưởng những điểm nổi bật để sớm trở thành một thần đồng ca hát. Dù không có sự chăm sóc của cha mẹ, nhưng bên cạnh Sơn có những người dì cũng là những nghệ sĩ nổi tiếng trong giới cải lương như nghệ sĩ Lệ Thu, Bích Hạnh - những nghệ sĩ có tên tuổi trong giới sân khấu Sài Gòn. Năm 9 tuổi, Nhật Sơn lên sân khấu biểu diễn với nghệ danh thần đồng Cảnh Sơn, ghép theo tên cha. Anh được nghệ sĩ Duy Phương phát hiện và nâng đỡ theo nghiệp ca hát. Cách đây vài năm, anh đã đổi tên thành Nhật Sơn.

Vào rạng sáng 14/9, ca sĩ Nhật Sơn bị một người bạn Hà Hồng Đạt (37 tuổi, quê Cà Mau) sống chung tại nhà trọ ở huyện Hóc Môn, dùng dao Thái Lan đâm trúng tim.

Đêm xảy ra án mạng, giữa Sơn và Đạt lại xảy ra cãi vã, Sơn đòi chia tay và trả lại căn nhà đang thuê rồi bỏ đi nên Đạt đã chạy theo níu kéo rồi dùng dao Thái Lan đâm Sơn tử vong.

Về nguyên nhân gây án, Đạt khai là do ghen tuông với chuyện Sơn có đi hát cho một người bạn là Việt kiều mới về nước.

Trong sự nghiệp ca hát của mình, Nhật Sơn tâm đắc nhất là 2 album do anh được sự hỗ trợ của người đàn ông quốc tịch Hà Lan thực hiện là “Vết tình” và “Tôi vẫn hát”

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn