Những thói xấu cha mẹ phải sửa cho con

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Khi trẻ có những tật xấu như ngoáy mũi, khô có thói quen rửa tay trước khi ăn, uống nước tắm... cha mẹ nên uốn nắm và sửa cho con ngay. Để nó không trở thành những thói quen khó bỏ ở trẻ.

Ngoáy mũi

Khi thấy mũi bị ngứa hoặc khó chịu, nhiều bé sẽ đưa tay lên để ngoáy mũi. Điều này sẽ là bình thường nếu nó không trở thành thói quen hàng ngày trong cuộc sống của con. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con thường xuyên đưa tay lên ngoáy mũi thì cho rằng đó là điều không quan trọng mà không biết rằng, đây chính là nguyên nhân khiến con vị viêm tiền sảnh mũi.

Bàn tay của trẻ hàng ngày chơi đùa có thể tiếp xúc với nhiều vi khuẩn, khi trẻ ngoáy mũi có thể làm tổn thương bên trong mũi. Những vi khuẩn này sẽ theo đó xâm nhập vào bên trong gây nhiễm trùng nặng.

Để giúp con từ bỏ thói quen này, người lớn có thể bôi dầu bạc hà hoặc thuốc mỡ vào tay trẻ. Thêm một chú ý nữa, đó là ngay cả khi con không còn thói quen này mà mũi vẫn có biểu hiện bị đau thì người lớn hãy đưa con tới gặp bác sĩ. 

Uống nước tắm

Khi cho con tắm, người lớn thường mang theo một số đồ chơi. Trong lúc nô đùa, trẻ có thể uống phải nước tắm và theo thói quen, cứ mỗi lần đi tắm là trẻ lại cố tình đập nước tung tóe để nước tắm rơi vào miệng. 

Đây là thói quen không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là nếu nước tắm có chứa cả bọt tắm. Nếu uống phải nước này, trẻ có thể sẽ bị đau bụng hoăc bị tiêu chảy.

Bốc thức ăn rơi trên mặt đất

Trẻ con có thói quen hay nhặt đồ ăn rơi trên sàn nhà và bỏ vào miệng. Điều này sẽ càng nguy hiểm hơn nếu trong nhà có các loại vật nuôi hoặc sàn nhà ẩm ướt và nguy cơ con bị nhiễm bệnh, nhiễm ký sinh trùng sẽ tăng lên.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, đồ ăn rơi xuống đất và con đã nhặt nó lên rất nhanh thì không thể bị nhiễm khuẩn được. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng trên mặt đất có rất nhiều vi khuẩn có hại và trẻ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh dù thời gian tiếp xúc giữa đồ ăn và mặt đất rất ngắn.

Để giúp con từ bỏ thói quen xấu trên thì ngay từ khi con còn nhỏ, các bậc cha mẹ hãy nên nói với con. Hoặc có thái độ cứng rắn khiến con hiểu rằng đó là hành động xấu và không nên làm như vậy nữa.

Để con hắt hơi mà không có khăn giấy

Có nhiều trường hợp trẻ ho và hắt hơi trong bữa ăn khiến nước mũi bắn vào đồ ăn. Khi người mẹ hỏi: “Sao con không che miệng lại?”. Đứa trẻ trả lời rằng: “Mẹ đâu có che miệng mỗi khi ho?”.  Điều này cho thấy trẻ sẽ có xu hướng học theo những hành động của người lớn

Nếu muốn con không có những thói quen xấu trên thì người lớn hãy trở thành tấm gương cho con ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Việc che miệng và dùng khăn giấy khi hắt hơi có thể giúp tránh được sự lây lan của vi khuẩn và đó cũng là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con.

Người lớn hãy để con nhìn thấy mỗi lần bạn ho, bạn sẽ che miệng lại và bỏ khăn giấy vào thùng rác. Trẻ sẽ nhìn theo những hành động đó để bắt chước.

Đưa tay gãi lên vết thương

Khi bị thương, làn da lên da non sẽ khiến trẻ bị ngứa. Lúc này, trẻ sẽ lại dùng tay của mình để gãi vết thương. Điều này có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn. Làm thế nào để giúp con không có hành động như vậy nữa?

Các mẹ có thể bôi kem chống viêm lên vết thương cho con hoặc dán lên vết thương những miếng gạc có hình thù ngộ nghĩnh. Con có thể sẽ thích thú với những hình thù này và không có ý định tháo những miếng gạc đó ra.

Không chịu rửa tay trước khi ăn

Không rửa tay trước khi ăn sẽ khiến con tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột. Người lớn hãy tập cho con thói quen rửa tay trước mỗi bữa ăn bằng cách cho con cùng rửa tay với mình.

Để con giữ một con búp bê và nói với con rằng: “Nếu con không rửa tay sạch sẽ thì búp bê sẽ bị bệnh, vì thế con cần rửa sạch tay trước khi ăn và trước khi cầm búp bê”.

Thói quen mút tay

Mặc dù hầu hết các trẻ đều mút tay nhưng nếu thói quen này kéo dài thì có thể dẫn đến lệch lạc răng. Mút tay trong thời kỳ răng sữa ít có hậu quả lâu dài. Tuy nhiên thói quen mút tay kéo dài sau khi răng vĩnh viễn mọc sẽ dễ dẫn đến lệch lạc răng.

Khi các ngón tay đặt lên giữa hai nhóm răng cửa trên và dưới tạo lực nén trực tiếp sẽ đẩy răng cửa trên mọc chìa ra trước, răng cửa dưới nghiêng vào trong, hai hàm cắn không khít và khi mút tạo áp lực âm trong khoang miệng, môi và má sẽ ép vào làm hẹp cung hàm.

Mức độ lệch lạc răng tỷ lệ thuận với số giờ trẻ mút tay mỗi ngày, đặc biệt những trẻ mút tay suốt đêm khi ngủ thì nguy cơ răng mọc lệch lạc càng cao. Bên cạnh đó, việc trẻ mút tay cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, vì tay là nơi tiếp xúc với rất nhiều vật dụng. Điều đó có thể khiến bé bị đau bụng, giun, sán...

Dùng răng mở nắp chai, xé bao bì

Mở nắp chai, xé bao bì, cắn chỉ khâu… hoặc cắn đồ vật cứng, nhọn sẽ tạo nên các vết nứt sâu trên răng, thậm chí có thể gây sứt hoặc mẻ răng. Ngoài ra, khi bé dùng răng để làm những việc như thế này sẽ khiến răng tiếp xúc với vi khuẩn trên miệng chai, bao bì, đồ vật… Vì vậy, các mẹ cần tỏ thái độ dứt khoát và “mạnh tay” ngăn chặn thói quen xấu này của bé.

Lệ thuộc vào giấc ngủ của trẻ

Bé quấy khóc làm cha mẹ thường phải dỗ dành trước khi cho bé ngủ. Điều này lâu dài vô tình tạo nên thói quen xấu cho trẻ. Trẻ thường đòi hỏi cha mẹ nâng niu, dỗ dành mới chịu ngủ. Như thế trẻ sẽ không bao giờ học được cách tự ru mình ngủ.

Tình trạng này bạn có thể cải thiện bằng cách, nếu bé khóc ăn vạ trước khi đi ngủ, hãy cố gắng chế ngự cảm giác xót con bằng cách lơ đi tiếng thút thít của bé hoặc tập trung vào một việc gì đó. Khi bé khóc thật sự, hãy đợi chừng 5 phút rồi mới vào dỗ. Ngày hôm sau, kéo dài thời gian đợi đó thành 10 phút và cứ thế tiếp tục kéo dài hơn.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn