Zing đưa tin, ngày 10/5, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) sẽ tiến hành hội chẩn chuyên môn về vấn đề ghép phổi cho bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi).
Trước đó, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đã bàn đến phương án ghép phổi cho bệnh nhân này.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) 34 ngày. Hai phổi đông đặc, nếu kéo dài, tình trạng phổi sẽ tiến triển xấu hơn, trở thành ổ vi khuẩn.
Theo thông tin trên VTC News, hiện bệnh nhân nằm yên/an thần, không sốt, siêu âm tim phổi co bóp đồng bộ, phổi phải hết tràn khí, nhiều bline mặt trước và bên, xẹp thùy sau dưới, ít dịch màng phổi phải, phổi trái nhiều bline mặt trước và bên.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc chứng "cơn bão cytokine" - phản ứng miễn dịch dữ dội - tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ.
Do bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này.
Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, hiện cả 2 bên phổi của bệnh nhân đã bị đông đặc, nên sử dụng máy thở không còn hiệu quả. Bệnh nhân được sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, nhưng tình trạng phổi đông đặc kéo dài sẽ khiến cơ quan này trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong ký chủ.
Trước đó, ngày 20/3 bệnh nhân 91 nhập viện điều trị với tổn thương nhu mô phổi phải, sau đó sức khoẻ liên tục diễn biến xấu, sốt cao.
Bệnh nhân được điều trị hỗ trợ hô hấp thở oxy qua mũi, sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ từ 25/3. 10 ngày sau, bệnh nhân tiếp tục phải chuyển sang thở máy xâm lấn do bệnh diễn tiến nặng. Từ 6/4, bệnh nhân sốt cao, suy hô hấp, phải hỗ trợ ECMO và kéo dài từ đó đến nay.