Thành phần dinh dưỡng của rau ngót
Theo các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ thì rau ngót chứa hàm lượng vitamin A, C cao hơn hẳn so với chanh, cam, bưởi... Đồng thời, rau ngót còn góp phần vào quá trình sản xuất collagen, điều chỉnh nồng độ cholesterol trong máu, tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và vận chuyển chất béo. Thành phần Vitamin A, C cũng rất tốt cho não bộ, mắt và làn da. Bên cạnh đó, trong rau ngót còn chứa canxi, magie, sắt, phốt pho, kali... và nhiều nguyên tố vi lượng tốt khác.
Trong Đông y, rau ngót có vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng và bổ huyết... Chúng còn chứa nhiều đạm thực vật nên được khuyến khích dùng để thay thế cho đạm động vật. Rau ngót có thể dùng để luộc, nấu canh với thịt, xương, tôm, hến... giúp thanh nhiệt giải độc trị nóng trong mụn nhọt vô cùng tốt. Tuy nhiên, rau ngót lại được khuyến cáo không nên dùng cho những người sau:
Những người không nên ăn rau ngót
Phụ nữ đang mang thai: Do rau ngọt có tính hàn, rau ngót được xem là "đại kỵ" cho phụ nữ đang mang thai.. Đặc biệt với những thai phụ có tiền sử các bệnh liên quan tới sẩy thai, sinh non, thụ tinh trong ống nghiệm lại càng nên tránh xa loại rau này. Nhất là nước rau ngót sống còn độc hơn rau ngót nấu chín rất nhiều lần. Nếu phụ nữ mang thai uống vào sẽ dẫn tới sẩy thai ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Nguyên nhân là trong rau ngót có chứa chất papaverin có tác dụng làm giảm đau, hạ huyết áp do giãn cơ trơn của mạch máu. Khi sử dụng nhiều rau ngót, papaverin có thể gây tăng co thắt tử cung và dẫn tới sẩy thai.
Người kén ăn, mất ngủ và cao tuổi: Mặc dù, rau ngót rất tốt cho sức khỏe nhưng các nghiên cứu lại chỉ ra rằng rau ngót có các tác dụng phụ không mong muốn là gây ra khó thở, kém ăn uống và khó ngủ ở một số người, đặc biệt là người lớn tuổi, thể chất yếu. Bên cạnh đó, khi bạn ăn rau ngót còn có những tác dụng phụ này có thể được giảm thiểu trong quá trình nấu ăn, vì thế với những người có tiền sử mất ngủ, kén ăn và người cao tuổi nên tuyệt đối tránh uống nước rau ngót sống và chỉ nên ăn một lượng nhỏ rau ngót nấu chín.
Người còi xương, thiếu canxi: Trong thành phần rau ngót dù có chứa nhiều canxi nhưng chất glucocorticoid có trong rau ngót lại là hoạt chất làm cản trở quá trình hấp thu phốt pho và canxi của cơ thể. Chính vì vậy, với những người bị còi xương, thiếu canxi… thì không nên ăn nhiều rau ngót.