"Sống chung với F0" là khái niệm không còn gì xa lạ với nhiều người dân Sài Gòn lúc này. Nhiều F0 lựa chọn tự điều trị, cách ly tại nhà do không có triệu chứng nặng. Với những gia đình có F0, họ cũng có những kinh nghiệm riêng để người khỏe không bị lây bệnh và vẫn chăm sóc tốt cho người đang bị bệnh.
Bà Nguyễn Thị Mai (63 tuổi, ngụ P.14, Q.5) chia sẻ với Thanh niên, ngay khi phát hiện mình có các triệu chứng nhiễm Covid-19, bà lập tức báo cho y tế phường đến kiểm tra sức khỏe trong ngày 27/11. Kết quả cho thấy bà nhiễm Covid-19 còn các thành viên khác trong gia đình vẫn âm tính. Vài ngày sau, chồng bà cũng thành F0. Cả hai vợ chồng chỉ cảm, sốt thông thường, biểu hiện bệnh nhẹ nên bà Mai quyết định cách ly và điều trị tại nhà thay vì đến bệnh viện.
Nhà rộng rãi nên bà Mai và chồng cách ly trong một tầng riêng và được hai con gái chăm sóc.
Ngay từ lúc phát hiện bệnh, phường đã phát túi thuốc đưa cho vợ chồng bà và kết nối hai người vào một nhóm Zalo điều trị F0 của phường. Nhờ vậy, mọi người thấy tinh thần thoải mái, không sợ hãi hay lo lắng gì.
Chị Nguyễn Thảo Nguyên (33 tuổi, con gái bà Mai) sẽ dậy sớm nấu thức ăn cho ba mẹ mỗi ngày. Dụ chị em chị Nguyên không nhiễm bệnh nhưng mỗi người đều ở phòng riêng và hạn chế tiếp xúc với nhau. Họ chủ yếu trò chuyện qua mạng xã hội.
Chị Nguyên chia sẻ, dù ở nhà nhưng ai nấy đều tuân thủ 5K tuyệt đối 24/24, không lơ là vì đang sống chung với F0. Cả nhà đeo khẩu trang suốt ngày, chỉ dám bỏ ra khi ngủ. Nhờ vậy mà hai chị em chị Nguyên vẫn bình thường, không ai bị lây dù sống chung nhà với F0.
Mỗi ngày chị đều tranh thủ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ nhất có thể. Do dùng chung nhà vệ sinh ở tần trệt nên sau mỗi lần sử dụng thì các thành viên sẽ tự khử khuẩn các ngõ ngách, tay nắm để giữ an toàn cho người sau. Hơn 15 ngày chung sống với F0 diễn ra khác so với chị nghĩ trước đó.
Sau 7 ngày điều trị tại nhà, bà Mai vui mừng vì kết quả test nhanh đã âm tính, sức khỏe của chồng bà vẫn ổn định.
Bà Nguyễn Thị Thu Xuân (62 tuổi, Q.Bình Thạnh) cũng chia sẻ về những ngày tháng chăm sóc chị gái là F0 điều trị tại nhà. Khi hay tin chị gái mình bị bệnh còn mình thì không, bà Xuân có chút lo lắng về sức khỏe của chị. Vì nhà rộng rãi, có đủ điều kiện cách ly và sức khỏe vẫn tốt nên chị bà Xuân được cách ly trong một phòng riêng ngay tại nhà. Hàng ngày, bà Xuân sẽ chăm sóc thuốc thang, ăn uống, chu toàn mọi việc trong nhà, quyết tâm cùng chị chiến đấu với Covid-19.
Bà Xuân cho biết, ngay ở trong nhà, chị em bà vẫn thực hiện đủ 5K, hạn chế tiếp xúc tối đa để tránh lây chéo.
Thời gian đầu, bà Xuân cũng chạnh lòng vì sợ người ta kỳ thị nhà có F0. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, hỏi thăm thường xuyên của hàng xóm cũng như chính quyền địa phương, được hỗ trợ nhiệt tình từ thuốc thang cho đến đồ ăn thức uống, sức khỏe của người chị cũng tốt dần lên. Hai chị em bà cảm thấy vô cùng thoải mái và mong sớm hết bệnh để được ra ngoài.
Ông P.Đ.Vũ (47 tuổi, TP.Thủ Đức) cũng là một gia đình có F0 điều trị tại nhà. Ban đầu, ông cứ nghĩ chỉ cần sống cùng với F0 là sẽ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi vợ ông dương tính với Covid-19 và được điều trị tại nhà, nhờ thực hiện đúng hướng dẫn của y tế phường, ông có thể chăm sóc tốt cho vợ và tránh được việc lây nhiễm.
Ông Đức chia sẻ: "Dưới quê gọi lên hỏi vợ tôi F0, sao tôi không bị. Tôi cũng ngạc nhiên vì trước đó cũng chuẩn bị sẵn tâm lý! Nhưng tôi nghĩ vì mình tiêm đủ liều vắc xin, sức khỏe tốt, thực hiện 5K ngay cả khi chăm sóc F0 nên Covid-19 không tấn công được".
Theo Bộ Y tế, để tránh F0 lây nhiễm cho người cùng sống trong gia đình và cộng đồng, F0 cần được sắp xếp phòng ngủ, vệ sinh riêng; các thành viên trong gia đình luôn giữ khoảng cách với F0; F0 cũng tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác và vật nuôi. Các thành viên trong gia đình cần đeo khẩu trong khi ở cùng không gian với F0. Người bệnh F0 phải đeo khẩu trang, ngay cả khi đang cách ly để giảm nguy cơ lây truyền virus cho người khác.
Bố trí ăn riêng cho F0 và nên dùng đồ sử dụng một lần. Thức ăn thừa không dùng phải bỏ vào thùng rác kín riêng.
F0 phải tự rửa chén, đũa sau khi ăn bằng nước nóng và dung dịch rửa chén; nên tự giặt quần áo của mình, nếu có điều kiện nên giặt bằng máy sau đó sấy, phơi khô.
F0 cần thường xuyên tự vệ sinh khu vực ở của mình.
Nếu F0 cần phải sự hỗ trợ thì người chăm sóc nên đeo găng tay.