Ứng phó khi bé ngậm thức ăn

13:00, Thứ bảy 22/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc ăn ngậm sẽ kéo dài thời gian ăn, làm bé ngang dạ và không ăn đủ số lượng cần thiết. Chưa hết, khi mẹ mất quá nhiều thời gian và công sức vào việc cho bé ăn mà không đạt kết quả, mẹ sẽ dễ bực bội và cáu gắt, dẫn đến ép uổng, la mắng con làm ảnh hưởng tâm lý mẹ, còn con thì bị biếng ăn.

Con trai chị Thủy được 1 tuổi, 2 tháng gần đây bé ăn bột cứ ngậm trong mồm không nuốt. Mỗi bữa ăn kéo dài 2-3 tiếng, thậm chí có muỗng bé ngậm cả 30', khiến cả nhà đều stress.

Chị cũng áp dụng nhiều cách như cho uống cốm vi sinh, rồi vitamin này nọ nhưng cũng chả tiến triển được nhiều. Nghe mọi người khuyên, chị cũng thử thay đổi khẩu phần ăn, nấu loãng ra hoặc đặc lên ... nhưng bé vẫn không thay đổi. Trong khi, bé nhà chị vẫn bú và uống sữa, ăn váng sữa bình thường: "Nhiều khi nản quá, bột làm cầu kỳ rất ngon nhưng con không ăn, cho vào mồm là ngậm chảy hết cả ra, làm đủ mọi trò mới nuốt 1 miếng. Nhiều lúc bực mình quá, tôi cho bé nghỉ ăn luôn, sau khi bị bỏ đói bé cũng ăn lại một chút nhưng làm vậy thấy xót con quá” - chị Thủy tâm sự.

Cũng giống như chị Thủy, cả nhà anh Dũng chị Hạnh cũng đang điên đầu vì con bỗng dưng thích ngậm khi ăn. Mỗi bữa cho con ăn, cả 2 vợ chồng cứ như đánh vật. Dỗ dành, làm đủ mọi trò mà con vẫn không chịu nuốt: “Tôi đút một muỗng cháo xong là bé ngậm đến 5 – 10 phút sau mới nuốt. Cũng có khi bé ngậm trong miệng chán rồi lại nhè cả ra. Nhiều lúc phải dùng đủ chiêu lừa phỉnh mãi mới đút được muỗng cháo vào miệng bé, vậy mà xong bé lại nôn ra hết, kể cả phần vừa ăn trước đó. Vậy là bao nhiêu công sức xem như công cốc” – chị Hạnh chia sẻ.

Thực tế hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ ngậm thức ăn trong miệng. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là chế độ ăn không hợp lý, khẩu phần ăn chưa phong phú, các bà mẹ chỉ thích cho con ăn theo ý mình, hoặc thức ăn không hợp khẩu vị của bé, bé ăn không đúng bữa, hay ăn vặt….

Ngoài ra, yếu tố tâm lý giữ vai trò quan trọng dẫn đến tình trạng này . Khi bé bị ép ăn bằng mọi cách gây tâm lý sợ hãi khi đến bữa ăn, sự thay đổi môi trường như đổi giờ ăn, nơi ăn… cũng khiến bé từ chối thực phẩm.

Bên cạnh đó, cũng có thể là do thức ăn bé nạp vào cơ thể trước đó vẫn chưa được tiêu hóa hết, nên bé không có cảm giác thèm ăn, dẫn đến tình trạng ngậm thức ăn.

Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ lúc này là cần xem lại cách chế biến thức ăn có phù hợp với hàm răng, độ tuổi của trẻ hay không. Ví dụ như thức ăn quá thô, lợn cợn làm bé khó nhai hay nuốt thức ăn quá đặc, nhiều thịt… Nếu vậy, thức ăn cho trẻ cần nấu mềm, loãng hơn, có thể tán qua rây inox để thức ăn mịn hơn. Một chén thức ăn 200ml chỉ cần cho 30g chất đạm (khoảng 2 muỗng canh) là đủ.

Bé làm biếng nhai và ngậm đò ăn do ngán khi được cho ăn hoài một mùi vị nào đó (như có nhiều bà mẹ chỉ cho con ăn đồ hầm xương, khoai tây, cà rốt liên tục mà không thay đổi) hay thức ăn được nêm quá mặn. Cần thay đổi món ăn thường xuyên cho trẻ, đa dạng thực phẩm chế biến để trẻ không bị ngán, nêm nếm thức ăn cho trẻ cần nêm nhạt hơn khẩu vị của người lớn một chút.

Khi đút bé ăn, nên đút muỗng đầy vì khi bé đầy miệng, bé sẽ nhai, không ngậm như khi miệng chỉ có ít thức ăn. Trong bữa ăn, thường xuyên làm trơn cổ bé bằng một ít nước canh, nước lọc, sữa chua, trái cây mềm…

Các mẹ có thể yên tâm là phương pháp cho bé ăn cơm kèm canh hoặc uống nước trong bữa ăn sẽ không làm bé bị đau dạ dày.

Ngồi một chỗ để ăn hay vừa ăn vừa đi lòng vòng cũng không sao, tùy hoàn cảnh của gia đình và tính cách của từng bé, miễn là bé và mẹ thoải mái, bé được ăn đủ số lượng thức ăn và hợp vệ sinh.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy