Trao đổi với báo chí, Đại tá Dương Văn Giáp, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, tính đến sáng 20/3, công an xác định có 4 người tử vong và 10 người bị thương trong vụ nổ.
Thống kê sơ bộ có 36 căn nhà bị ảnh hưởng do vụ nổ, trong đó có 12 căn nhà bị hư hại nặng, 4 căn nhà do trực tiếp bị ảnh hưởng của vụ nổ nên chính quyền địa phương đã tổ chức di dời người dân lên chung cư Văn Phú - Victoria cách đó 500m.
Vụ tai nạn gây nhiều thiệt hại về người và của |
Cũng trong sáng 20/3, Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Bộ Công an và TP Hà Nội về kết quả điều tra ban đầu vụ nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông. Theo đó, vào khoảng 15h10’ ngày 19/3, tại vỉa hè TT9 khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội xảy ra một vụ nổ lớn, tạo ra một hố sâu vuông diện tích khoảng 4m2, sâu khoảng 1m.
Căn cứ kết quả xác minh của CSĐT, anh Phạm Văn Cường (SN 1975, quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là người thuê nhà số 15 - TT 19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông mang vật liệu nổ (bom từ thời chiến tranh) mua được ra trước cửa nhà, cạnh đường rồi dùng đèn khò cắt vật liệu nổ để lấy sắt thì xảy ra vụ nổ.
Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?
Phân tích vụ việc trên cơ sở pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, hành vi của Phạm Văn Cường đã có dấu hiệu phạm tội Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự.
Trong vụ việc này, do anh Phạm Văn Cường là người trực tiếp gây ra vụ việc đã tử nạn nên không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự.
Ngoài ra, nếu cơ quan điều tra xác định được người bán, đồng thời làm rõ việc người này biết đấy là vật liệu nổ nhưng vẫn cố tình bán cho anh Cường thì người này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 232, Bộ luật hình sự.
Cũng theo luật sư Thơm, vật liệu nổ trong vụ việc này được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, xác định hậu quả thiệt hại về người và tài sản là do anh Phạm Văn Cường đã cưa cắt vật liệu nổ gây ra.
Về nguyên tắc, anh Cường phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo qui định tại Điều 623 Bộ luật dân sự và theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Nhưng do trong vụ việc này, Phạm Văn Cường là người gây ra thiệt hại cũng đã tử vong nên không có căn cứ để bồi thường thiệt hại.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc này phải căn cứ vào kết quả xác minh tài sản của người gây ra vụ việc. Tuy nhiên, việc xác minh tài sản sẽ rất mất thời gian và phức tạp.
“Xét về tổng thể, việc xác định và quy trách nhiệm bồi thường trong vụ nổ ở Hà Đông khá phức tạp và rất khó thực hiện. Với những người thiệt mạng hoặc bị thương có tài sản bị hư hỏng, về luật thì họ phải được bồi thường. Nhưng trong trường hợp này, người gây ra vụ nổ đã chết và không có tài sản thì rất khó”, ông Huế nhận định.
Vụ nổ ở Văn Phú: Người khiêng vật nổ thoát chết nhờ… cái bật lửa (Xã hội) - (Phunutoday) - Người đàn ông kiêng vật nổ nghi bom vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại giây phút thoát chết hy hữu khi vụ nổ rung trời xảy ra. |
Vụ nổ ở Hà Đông: 6 bệnh nhân qua cơn nguy kịch (Xã hội) - (Phunutoday) - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, các nạn nhân hiện đã ổn định, qua cơn nguy kịch. |