Lợi dụng lúc mẹ không chú ý, cậu bé Ayman Faisal đã mở luôn một chai nước làm thông cống và uống.
Chưa bao giờ, người mẹ Saira lại hối hận vì đã lơ là con như thời điểm này, khi cậu bé Ayman Faisal đang có nguy cơ bị câm suốt đời vì uống phải nước thông cống trong siêu thị.
Sự việc xảy ra tại siêu thị Safa, Manchester, Anh. Vào thời điểm xảy ra sự việc, Saira đang chọn đồ thì Ayman đã kịp lấy chai nước thông cống và uống.
Cậu bé 6 tuổi đươc nhập viện trong tình trạng miệng, khí quản, thực quản, dạ dày bị bỏng nặng. Hiện Ayman không thể nói, không thể ăn mà chỉ có thể truyền thẳng thức ăn vào bụng.
"Hôm đó, tôi đang trên đường về nhà thì cần mua vài thứ nên đã tạt qua cửa hang. Ayman được giữ ở xe đẩy. Nhưng chỉ lơ là vài giây thôi mà thằng bé môi tím tái, miệng chảy đầy máu. Lúc đấy tôi không biết chuyện gì xảy ra nữa. Tôi hét lên với các nhân viên gọi xe cứu thương. Thật sự tôi rất sợ", Saira kể lại. Bản thân Saira cũng bị bỏng tay và chân khi đỡ con.
Cho đến nay, dù đã được xuất viện nhưng Ayman vẫn không thể ăn uống bình thường. Cậu bé chỉ uống được sữa. Còn lại các chất dinh dưỡng phải truyền vào bụng. Cậu bé đang học ngôn ngữ ký hiệu của người câm để có thể giao tiếp được.
Gia đình Ayman đang tiến hành khởi kiện nhà sản xuất chai nước thông cống bởi lẽ đã không có biện pháp an toàn với trẻ em. Đáng lẽ, những chai nước thông cống nên có chốt an toàn, tuy nhiên, chai nước gây họa cho Ayman lại được mở rất dễ.
Gia đình Ayman muốn kiện hãng sản xuất vì đã không làm khóa an toàn cho sản phẩm.
Ngoài ra, có thể siêu thị cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm bởi đã sắp xếp vật dụng nguy hiểm sức khỏe gần tầm với của trẻ em.
Trước đó đã từng xảy ra sự việc, bé trai 4 tuổi ở Bình Dương uống phải chai nước tẩy rửa bà để trong tủ lạnh vì nhầm tưởng là nước trà xanh không độ.
Thông tin bé trai 4 tuổi ở Bình Dương uống nhầm nước rửa móng tay (để trong chai trà xanh) phải đi bệnh viện cấp cứu đã ổn định sức khỏe, được xuất viện về nhà khiến nhiều người biết tin thở phào nhẹ nhõm, mừng cho em và gia đình.
Tuy nhiên không phải trường nào uống nhầm hóa chất cũng được may mắn như vậy và thực tế đã không ít gia đình phải trả giá đắt vì hành động thiếu cẩn trọng của mình.
Sự việc đau lòng xảy ra vào ngày 13/11/2015 tại khu phố 6, phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết (Bình Thuận). Bé Nguyễn Quang Huy (3 tuổi) đã tử vong do uống nhầm chất tẩy rửa đựng trong chai trà xanh để trong tủ lạnh.
Chị Trần Thị Ngọc Huyền (23 tuổi) là mẹ bé Huy kể trong nước mắt, hằng ngày chị đi làm công nhân tại công ty chế biến thủy sản Cao Cường, con chị là bé Huy ở nhà với bà ngoại.
Khoảng 15 giờ ngày 13/11 bé Huy chơi chạy nhảy trước nhà nên khát nước, bé vào tủ lạnh thấy chai trà xanh để trong tủ bèn lấy uống. Khi uống vào thấy không phải vị trà xanh thường uống nên bé có phun ra, tuy nhiên khoảng 10 phút sau bé than đau bụng rồi khụy xuống tái nhợt. Bà ngoại bé phát hiện truy hô, những người hàng xóm chạy đến cùng với bà vội đưa bé đến trạm y tế phường Lạc Đạo ở gần đó rồi chuyển đến bệnh viện đa khoa Tâm Phúc nhưng bé đã không qua khỏi.Những người nhà của bé Huy cho biết chị Huyền mẹ bé mang chất tẩy rửa này về đựng trong chai trà xanh đặt ở cạnh giếng mục đích dùng để tẩy rửa đồ dùng đã cũ trong nhà. Bà ngoại bé Huy đã lớn tuổi nhầm tưởng là chai nước giải khát nên đem vào cất trong tủ lạnh, và rồi sự việc đau lòng đã xảy ra.
Cha mẹ cần luôn để mắt đến con
Những vụ việc thương tâm kể trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm với tính mạng của trẻ do sự bất cẩn của người lớn trong việc sử dụng, cất giữ các hóa chất, dung dịch độc hại tại nhà.
Theo các chuyên gia, phụ huynh cần hết sức thận trọng với trẻ nhỏ, đặc biệt nên bỏ thói quen để dung dịch, hóa chất nguy hiểm vào chai lọ đựng thực phẩm. Hành động quen thuộc này tưởng chừng bình thường nhưng đang có nguy cơ đe dọa tính mạng của chính con em mình bất cứ lúc nào không biết.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Ngoan – Phó khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương), với bản tính của trẻ là tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh, người trực tiếp chăm sóc các em nhỏ cần tránh không để trẻ tiếp xúc với các vật nguy hiểm (đồ sắc nhọn như dao, kéo…), các yếu tố gây nguy hiểm (nước, lửa, điện…). Trong gia đình nếu có sử dụng hóa chất, chất tẩy rửa cần cất giữ nơi trẻ không nhìn thấy, không tìm thấy, không với tới. Không để trẻ tự chơi một mình mà không có người giám sát, để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trong trường hợp trẻ lỡ uống nhầm, bác sỹ Đặng Hoàng Sơn Trưởng khoa tai mũi họngBệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo người nhà nên đưa các cháu đến ngay bệnh viện để cấp cứu bởi càng để lâu càng khó điều trị, gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe cũng như sinh hoạt ăn uống… Lưu ý mang theo mang theo dung dịch trẻ uống phải để các bác sĩ có phương án giải độc phù hợp, hiệu quả và sớm nhất.
Các chai lọ có màu sắc bắt mắt, chai nước uống đựng chất nguy hiểm dễ khiến trẻ nhầm lẫn lấy uống
Bên cạnh đó, các bác sỹ nhắc nhở phụ huynh cũng tuyệt đối không nên tự ý gây nôn cho trẻ vì có thể gây sặc và làm hóa chất lan rộng, gây tổn thương thêm trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, gia đình cũng đừng bao giờ tìm cách “trung hòa” thứ trẻ uống nhầm bằng cách cho bé uống một hóa chất khác. Sự kết hợp này có thể gây phản ứng nhiệt, tiếp tục làm tổn thương trở nên nặng nề hơn.
Trong trường hợp phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất nhưng trẻ vẫn tỉnh táo, không nôn thì cha mẹ có thể cho trẻ xúc miệng bằng một chút nước/nước muối loãng/sữa (nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng) để loại bỏ chất ăn mòn còn nằm lại trong miệng rồi đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Tuy nhiên khi trẻ đã nôn hoặc khó nuốt thì không được thực hiện động tác này.