Mẹo giúp bé ăn ngon miệng và khoa học mẹ cần biết

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bé lười ăn, ăn ít khiến không ít cha mẹ lo lắng và tìm đủ mọi cách để cải thiện. Tuy nhiên để giúp bé có bữa ăn luôn ngon miệng mà vẫn khoa học không phải mẹ nàu cũng biết.

Dạy trẻ từ lúc còn nhỏ luôn dễ dàng hơn việc đợi bé lớn rồi mới từ từ uốn nắn. Để bé có thói quen ăn uống lành mạnh, trước hết bạn phải là hình mẫu cho bé.

 

Thư giãn

Các bé thường có xu hướng thích tự kiểm soát cuộc sống của mình, điều đó khiến chúng cảm thấy thỏa mãn hơn, tự tin hơn - và cách chúng cư xử với đồ ăn là một trong những biểu hiện của xu hướng này. Bạn càng ép, trẻ càng chống đối và không muốn ăn. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, hãy tự thả lỏng bản thân mình trước.

Thay vì bắt trẻ phải ăn một loại đồ ăn nào đó vì chúng bổ dưỡng hay đắt tiền và bạn cảm thấy rất tiếc nếu trẻ không ăn; hãy đơn giản là cho trẻ lựa chọn vài loại đồ ăn trong một bữa, và để trẻ tự ăn. Bạn chỉ nên hướng dẫn trẻ cách ăn mà thôi. Đặt đồ ăn trước mặt bé, nếu bé không muốn ăn, bạn đừng ép, và cũng đừng căng thẳng về điều đó bởi các bé rất nhạy cảm và chúng sẽ nhận ra sự căng thẳng của bạn đấy!

Ngoài ra, sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể làm gương cho trẻ trong việc ăn uống. Thay vì nói với trẻ "Con thử món này nhé, ngon lắm!" thì bạn hãy ăn món đó một cách thật ngon miệng - thậm chí bạn chẳng cần nói gì bé cũng sẽ tò mò mà đòi ăn thử đấy.

Cho trẻ ăn theo nhu cầu

Nhiều bà mẹ có suy nghĩ ép trẻ ăn càng nhiều càng tốt mà không quan tâm đến nhu cầu của con. Chính tình trạng bị ép ăn nhiều ngày kéo dài khiến trẻ nảy sinh tâm lý biếng ăn. Cách tốt nhất là hãy để trẻ ăn theo nhu cầu. Với những trẻ khó ăn uống phụ huynh nên “chia nhỏ bữa ăn” giúp trẻ vẫn ăn đủ lượng thức ăn cần thiết mà hệ tiêu hóa của trẻ lại không bị quá tải.

Bữa ăn gia đình

Hãy cùng ăn chung như một gia đình. Đó sẽ là một thói quen tốt cho trẻ sau này, bạn sẽ là hình mẫu cho việc cư xử tốt trong bữa ăn mà trẻ học tập.Điều này sẽ giúp trẻ vui vẻ, phấn khởi hơn, ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, khi được ngồi chung mâm cơm với bố mẹ, trẻ sẽ được tập dần các kỹ năng ăn uống như cầm muỗng đũa, biết tự đút ăn, kỹ năng giao tiếp trên bàn ăn cùng với người lớn… Nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã chứng minh khi trẻ ăn chung với gia đình trong không khí đầm ấm, trẻ thường ăn được nhiều hơn, phát triển các giác quan và trí não một cách hoàn thiện nhất.

Quên đồ ăn chế biến sẵn đi

Cho dù thế nào thì những bữa ăn tự làm tại nhà bao giờ cũng tốt hơn đồ ăn được chế biến sẵn rất nhiều. Đồ ăn sẵn thường chứa một lượng muối rất đáng lo ngại. Việc có quá nhiều muối trong đồ ăn cho trẻ cũng gây ra vấn đề sức khỏe khó kiểm soát. Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm cho tuyến nước bọt của trẻ bị giảm, tạo nên sự phát triển cho các loại vi khuẩn , gây ra viêm nhiễm đường hô hấp. Ăn nhiều muối khiến cơ thể  kém hấp thu kẽm. Thiếu kẽm sẽ khiến bé biếng ăn, khó ngủ và chậm lớn. Bạn nên cho trẻ ăn những thực phẩm lành mạnh bằng cách thêm rau quả tươi vào khẩu phần ăn, không những dễ ăn mà còn dễ hấp thu.

Tìm cách dụ dỗ trẻ ăn bằng những món ăn nhẹ

Cung cấp nhiều loại thức ăn tại bữa ăn và có thể thỏa thuận cho phép trẻ ăn snack nếu như trẻ chịu măm một thực phẩm nào đấy. Trái cây, súp, táo, bánh quy giòn, bơ đậu phộng và sữa chua …là tất cả các ví dụ tốt về món ăn nhẹ bạn có thể chọn lựa cho trẻ trong sự thỏa thuận này.

Nếu trẻ đồng ý với những lựa chọn này, bạn đừng quá băn khoăn nhé. Miễn là trẻ khỏe mạnh và chịu ăn nhiều thực phẩm khác nhau, bởi trong thời gian ấy, bạn sẽ tận dụng để chuyển sang nhiều loại thực phẩm khác.

Cung cấp những thực phẩm tốt cho cơ thể

Trẻ cần được cung cấp đầy đủ những khoáng chất để cơ thể phát triển một cách khỏe mạnh. Điều quan trọng là bạn phải biết được những thực phẩm nào là tốt cho sự phát triển của trẻ.

Các loại ngũ cốc nguyên chất chưa qua chế biến có một nguồn cung cấp năng lượng không thể thiếu cho sự vận động cũng như tăng trưởng của trẻ. Trong đó còn chứa những vitamin nhóm B giúp phòng ngừa bệnh tim mạch.

Hoa quả tươi là nguồn cung cấp vitamin C cũng như các chất oxy hóa cho cơ thể trẻ. Có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ và phòng tránh một số loại bệnh.

Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp cho trẻ canxi, vitamin D, protein giúp cho sự phát triển của xương, răng, cơ bắp, cải thiện não và các chức năng thần kinh.

Bông cải xanh cung cấp nhiều vitamin B6, C,K, axit folic và kali giúp thúc đẩy cơ thể sản xuất các enzym bảo vệ mạch máu và giảm các phân tử gây tổn hại tế bào.

Omega 3 có trong các hồi, cá ngừ. Là loại axit béo rất cần cho sự phát triển của mô não, sức khỏe của tim và trí não.

Thay đổi thực đơn thường xuyên

Trẻ sẽ thấy ngon miệng hơn nếu được mẹ thay đổi thực đơn thường xuyên. Nếu bạn ngày nào cũng ăn một loại thức ăn nào đó cũng sẽ cảm thấy chán, thì trẻ cũng vậy. Hãy chế biến những món ăn phù hợp khẩu vị của trẻ, thường xuyên có những món mới cho trẻ hào hứng với bữa ăn.

Không đe dọa hoặc trừng phạt trẻ khi không ăn: Mặc dù khi trẻ từ chối không chịu ăn những thực phẩm bạn đưa ra và điều này khiến bạn buồn bã nhưng cũng không nên đe dọa hoặc trừng phạt trẻ khi không ăn. Bên cạnh đó hãy tìm cách để trẻ tiếp nhận thực phẩm một cách thoải mái hơn.

Cho trẻ ngồi đúng cách khi ăn

Để hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt nhất, phụ huynh nên chọn cho trẻ một ghế ngồi thẳng lưng có phần dựa phía sau, ghế trẻ ngồi phải ngang tầm với vị trí thức ăn để trẻ có thể ăn uống dễ dàng. Ghế ngồi phù hợp sẽ giúp các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa giãn nở tối đa làm cho thức ăn nhanh chóng được tiêu hóa và hấp thu, tránh được những phiền toái do đầy hơi, chướng bụng hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa gây ra.

Uống nước

Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng: Nếu bú mẹ hoàn toàn hoặc đã có thêm sữa bột vào khẩu phần ăn thì không cần phải cho bé uống nước. Nhưng nếu trẻ ra nhiều mồ hôi, còi xương hoặc bị táo bón thì nên cho trẻ uống thêm 100 – 200ml/ ngày.

Với trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi, nhu cầu nước một ngày là 100ml bao gồm cả sữa cho mỗi kg cân nặng. Ví dụ nếu trẻ nặng 8kg cần 800ml nước, nếu trẻ uống được 600ml sữa thì cần bổ sung thêm 200ml nước nữa dưới dạng nước đun sôi để nguội hoặc nươc quả tươi, nước rau luộc…

Trẻ trên 1 tuổi cần 1 lít nước mỗi ngày (bao gồm cả sữa), nếu trẻ hơn 10kg thì nên thêm 50ml nước mỗi ngày.

Khi cho trẻ uống nước không nên cho uống quá nhiều nước trong một lần, mà nên cho bé uống từng ngụm một để nước có thời gian ngấm qua thành ruột vào mạch máu. Làm thế này giúp bé giải khát nhanh hơn và không bị ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Biết khi nào trẻ no

Không nên ép buộc trẻ ăn quá nhiều cho một bữa. Khi trẻ có xu hướng lắc đầu hay mím môi khi được cho ăn có nghĩa là bé không muốn ăn nữa. Nếu như bạn cố ép cho trẻ ăn muỗng cuối hay uống nốt nước điều này rất tai hại. Đừng nên làm như thế bởi nó sẽ trở thành thói quen xấu cho trẻ, phá hỏng cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể và có khả năng gây ra béo phì.

Nếu bé không ăn mà có xu hướng ngậm, nôn ọe hay không chịu ăn điều đó có nghĩa là bé đang cảm thấy giờ ăn thực sự đáng ghét. Bạn nên điều chỉnh lại cách cho con ăn. Hãy nhớ rằng nhu cầu về thức ăn của mỗi đứa trẻ là khác nhau.

Sắt cho bữa ăn

Hãy đảm bảo rằng bạn đang cung cấp đầy đủ chất sắt trong chế độ ăn của trẻ. Thiếu sắt có hại cho quá trình phát triển trí não và tâm lý của trẻ. Mặc dù có thể khắc phục được tình trạng này thông qua điều trị song khả năng phục hồi và tổn thương tâm lý thì chưa ai dám chắc.

Khi trẻ chuyển sang ăn thức ăn cứng, nên chọn những loại thức phẩm có chứa hàm lượng sắt cao như: thịt, các loại thực phẩm thông dụng hàng ngày và một số loại rau.

Thiếu máu não có thể gây ra mệt mỏi, ngủ gât, thiếu tập trung dẫn đến sự sa sút trong học tập.

Tập thể dục

Tập thể dục giúp bé cảm thấy thoải mái, hăng say trong vui chơi, học tập. Vận động cơ thể thường xuyên sẽ giúp cho các mạch máu lưu thông tốt, tăng cường chuyển hóa các cơ quan trong cơ thể đồng thời có thể tránh được béo phì.

Hơn nữa khi có thể lực tốt có nghĩa sức đề kháng và khả năng miễn dịch cao. Giúp cơ thể chống lại các bệnh thường xảy ra khi chuyển mùa như cảm cúm, phát ban… Không những thế, tập thể dục còn giúp cho bé có một trí não tinh thông, sáng tạo và khả năng ghi nhớ tốt. Vừa tốt cho sức khỏe lại có khả năng gắn kết các thành viên trong gia đình, điều đó không tốt hay sao?

Bữa tối không có tivi

Vừa ăn vừa xem tuy có thể giúp cho trẻ ăn nhanh chóng hơn nhưng những tác hại mà nó mang lại thì chẳng dễ chịu chút nào. Mải xem sẽ khiến cho trẻ không chú trọng đến thức ăn và sẽ có nguy cơ trẻ ngậm thức ăn trong mồm rất lâu, hoặc sẽ nuốt thức ăn ngay lập tức – điều này sẽ gây hại cho dạ dày của trẻ, để lâu sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe không tốt. Hơn thế nữa việc này khiến cho trẻ không cảm nhận được hương vị của thức ăn và sẽ cảm thấy không ngon miệng, dễ dẫn đến cảm giác chán ăn.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn