Nói về cảm xúc thì cha mẹ nào cũng có tình yêu với con mình, cầu mong cho con mình gặp điều may mắn thuận lợi thành công. Nhưng thế nào là yêu thương đúng cách thì không phải ai cũng rõ. Rất nhiều người nhân danh tình yêu nhưng lại là kiểm soát là xâm phạm quyền riêng tư của con, quyết định thay con. Có người lại vì quá lo lắng bảo bọc cho con mà làm mọi thứ vì con nên coi như cắt mất năng lực tự thân của con, đến khi con rời xa vòng tay mình thì bị lừa, bị lôi kéo thành hư hỏng... Bởi thế chúng tôi không phán xét bạn có yêu con hay không, mà chỉ là cùng đưa ý kiến để chúng ta điều chỉnh lại yêu cách nào là tốt, cách nào giúp con có tương lai vững vàng hơn.
Bảo vệ trẻ quá mức, không cho con tự đứng dậy
Đây là biểu hiện của một bậc cha mẹ yêu thương nhưng không đủ bình tĩnh và sáng suốt. Thấy con ngã bạn liền nâng con dậy ngay, thế là triệt tiêu bản năng tự vệ của con. Thấy con bị người khác nói, chưa kịp xem con phản ứng ra sao để dạy con, bạn liền đưa ngay ra quyết định của mình. Quan tâm mù quáng, sợ sệt không cho con tiếp xúc xã hội, vô trùng con quá mức chính là tai hại. Một em bé không biết tới việc đứng lên tự đi thì lần sau sẽ cần người bế dậy. Nhưng bố mẹ có đi theo thường xuyên được không? Bạn thương con nhưng phải biết lường trước tình huống, làm sao để thương nhưng cho con được đôi cánh chứ không phải gắn con trên tay rồi bay hộ con.
Đừng giải quyết mọi thứ thay con, hãy để con giải quyết cuộc đời của con bằng cách của con trước. Sau đó có thể tham vấn thêm cho con về phương án của mình để cho con chọn.
Áp đặt và can thiệp vào mọi quyết định
Cha mẹ thường có tâm lý lo lắng con non nớt, con mình sai lầm nên hay quyết định thay con, thậm chí con không thích nhưng cứ tự quyết, cả khi con đã lớn. Nhiều người luôn muốn con phải hành động theo ý mình, thậm chí nhân danh yêu thương âm thầm tự quyết nhiều thứ đến khi con phát hiện ra thì không còn cơ hội sửa.
Điều đó khiến trẻ thấy mất tự do muốn lảng tránh lánh xa cha mẹ. Nhiều người cho rằng mình lớn mình quyết mới đúng, con chưa đúng, nó không làm theo mình thì sai lầm khổ sở. Nhưng không biết rằng chúng ta và con là hai cá thể độc lập, ngưỡng chịu đựng và chấp nhận mọi việc là khác nhau. Vì thế xin hãy tôn trọng quyền của con và tính cá nhân của con. Khi cha mẹ quá áp đặt con cái sợ hãi và lánh xa. Trong một cách khác trẻ sẽ bị mất năng lực phản kháng. Điều đó khiến cho cuộc đời của trẻ chỉ theo ý cha mẹ và khi cha mẹ buông tay thì con không có quyết định gì đúng đắn, không có phân tích đúng sai, hoặc sẽ tự do một cách thái quá để bù lại thời gian bị kìm kẹp nên sa ngã.
Những đứa trẻ trưởng thành là biết nhìn nhận đúng sai và biết tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu cha mẹ không để cho con có quyền tự quyết thì tinh thần trách nhiệm ấy mất dần và trẻ chỉ là những con gà công nghiệp. Khi trẻ không còn chịu nổi "xiềng xích" của cha mẹ thì trẻ sẽ phản kháng tiêu cực.
Do đó cần tôn trọng con là 1 cá thể độc lập với chúng ta. Chúng ta sinh ra con nhưng không sở hữu chúng. Chúng ta yêu thương nhưng không thể bóp nghẹt chúng theo ý của chúng ta. Bọn trẻ cần được tôn trọng và cần học được cách tự quyết định cuộc đời mình. Hãy cho con không gian riêng tư, hãy cho con có ý kiến và quyết định của mình, thậm chí cho con được vấp ngã để con trưởng thành lên.
Không thể kiểm soát cảm xúc khi đối diện với con
Việc cha mẹ không giữ được cảm xúc của mình, dễ vui mừng quá đỗi trước thành tích của con hoặc quá dễ nổi nóng khi thấy con sai đều rất không tốt. Việc bình tĩnh xử lý vấn đề sẽ tốt hơn và sư điềm tĩnh của bạn giúp con không sợ hãi, giúp con học được điều đó. Không kiểm soát được cảm xúc là một việc rất tai hại khiến cho trẻ dễ mất bình tĩnh, điều đó khiến cho chúng khó tạo dựng được uy tín niềm tin và sự thoải mái cho người khác. Thế nên nhiều người sẽ tránh xa những người khó kiểm soát cảm xúc.
Những cảm xúc tiêu cực của cha mẹ sẽ ảnh hưởng lên con cái. Việc cha mẹ thường xuyên than vãn, luôn bình tĩnh trước những sự việc bất như ý sẽ khiến trẻ học theo. Những điều này khiến cho trẻ khi lớn lên khó xử lý vấn đề của mình. Vì thế cha mẹ cần học cách kiểm soát cảm xúc của mình. Sự bình tĩnh cũng là một phần tài sản trong quá trình gây dựng thành công. Bởi bình tĩnh giúp người ta sáng suốt nhìn mọi việc một cách thấu đáo hơn.
Cha mẹ và con cái nên là bạn với nhau chứ không nên là người sở hữu nhau, khi con càng lớn chúng càng cần tự do. Khi bạn cho con đủ tự do con sẽ tin bạn và chia sẻ với bạn nhiều hơn khi bạn kiểm soát chúng. Nhưng cha mẹ có con thành công đều không kiểm soát con mình mà dều rất bình đẳng với con.