Xôi, bánh chưng là những món ăn truyền thống, không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết. Những món này có thành phần chính là gạo nếp, kết hợp với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị đặc sắc, phù hợp với khẩu vị của đa số mọi người. Tuy nhiên, cũng có những người không nên ăn các món từ gạo nếp như vậy để bảo vệ sức khỏe.
Người thừa cân, béo phì, người đang muốn giảm cân
Những món ăn từ gạo nếp có lượng calo khá lớn. Sự kết hợp của gạo nếp với đậu xanh, lạc, dừa nạo, nước cốt dừa... trong các món xôi, bánh chưng, bánh tét khiến lượng calo nạp vào cơ thể khi ăn những món này là vô cùng lớn. Đó là chưa kể đến việc bạn ăn chúng cùng với thịt gà, thịt bò, giò chả...
Nếu đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì, đang muốn giảm cân, bạn nên tránh xa các món ăn làm từ gạo nếp.
Người bị tiểu đường
Khi đi vào dạ dày, gạo nếp sẽ nhanh chóng được hấp thu. Thành phần chính của gạo nếp là tinh bột. Tinh bột sau khi được xử lý sẽ chuyển hóa thành đường. Người bị bệnh tiểu đường ăn quá nhiều đồ nếp sẽ khiến đường huyết tăng lên nhanh chóng trong thười gian ngắn, gây ra tình trạng khó kiểm soát.
Người có tiền sử bị bệnh dạ dày
Gạo nếp có cấu tạo tinh bột dạng nhánh chắc chắn, khó chia cắt. Vì vậy, các món làm từ gạo nếp thường tạo cảm giác no lâu, thậm chí có thể gây khó tiêu, ợ nóng... Những người có tiền sử bị bệnh dạ dày nên tránh sử dụng các món nấu từ gạo nếp để hạn chế tình trạng khó chịu, ợ chua hay đau dạ dày. Đồ nếp ăn cung với các thực phẩm nhiều dầu mỡ, tiêu, hành, tỏi.. sẽ càng gây khó chịu hơn.
Người mới hồi phục sau bệnh
Do gạo nếp khó tiêu nên người mới hồi phục sau bệnh cũng cần hạn chế ăn. Nên ăn các món mềm, lỏng để dạ dày từ từ hồi phục, giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Người đang bị vết thương hở
Những người đang có vết thương hở, vết thương bị viêm nên tránh ăn gạo nếp vì nó có thể làm vết thương lâu lành. Ăn các món từ gạo nếp có thể gây khó tiêu và làm tình trạng viêm thêm nghiêm trọng.