Cẩn thận với các chiêu bạo hành trẻ ở trường mầm non

12:05, Thứ năm 19/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em ở trường mầm non bị phanh phui, phụ huynh căm phẫn và chia sẻ với nhau cách để phát hiện ra bé của mình có bị bạo hành ở trường hay không?

Những trẻ bị bạo hành sẽ bị tổn thương rất lớn về tâm lý, trí tuệ. Nếu người lớn phát hiện sớm và có liệu pháp điều trị, thay đổi môi trường học, sử dụng các biện pháp can thiệp… trẻ sẽ dần phục hồi. Nhưng nếu không được điều trị hoặc can thiệp không đủ, nó sẽ trở thành bệnh đeo bám và ám ảnh trẻ suốt cuộc đời còn lại.

Người lớn cần có cách để sớm nhận biết trẻ có bị bạo hành hay không:

1. Buổi sáng, trước khi đưa con tới lớp, bố hoặc mẹ hãy dành 10 phút để chơi và trò chuyện cùng con (với trẻ đã biết nói). Bố mẹ hỏi con những câu như: Con ơi, mình chuẩn bị tới lớp rồi, ở lớp con thích trò chơi nào nhất? Con hay ngồi học với bạn nào? Cô giáo con yêu bạn nào nhất?...Nếu bé có biểu hiện sợ hãi và nhắc đến chuyện đi học là khóc và níu lấy tay bố mẹ không chịu rời mặc dù đã đi học được một thời gian rồi thì bố mẹ nên xem xét lại môi trường học tập đã thực sự phù hợp với con chưa.

2. Buổi chiều đón con về, bố mẹ cũng nên trò chuyện cùng con bằng “ngôn ngữ trẻ nhỏ”: Mẹ kể cho con nghe nhé, hôm nay mẹ đi làm vui lắm, ở lớp con được chơi trò gì, con kể cho mẹ nghe đi (hỏi trò chơi trước để nắm bắt cảm xúc của trẻ); Thế chiều nay lớp con ăn cháo, phở hay cơm?; Ở lớp con có bạn nào hư không?; Những bạn hư, khóc nhè thì cô giáo phạt như thế nào?;…

Bạo hành trẻ em

3. Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ cần quan sát thái độ, cử chỉ, hành động của con (cách này cũng phù hợp với trẻ chưa biết nói), nhất là lúc giao con cho cô giáo và đón con từ tay cô. Những trẻ bị bạo hành rất dễ nhận biết qua những biểu hiện như trẻ nép và bám chặt vào cha mẹ, không dám nhìn cô giáo, òa khóc chạy ôm mẹ khi mẹ tới đón, giật mình khi đêm ngủ, tự nhiên khóc thét lên, không thích đến chỗ đông người,…

Khi thấy con có những biểu hiện đó, bố mẹ cần “tâm sự” với con nhiều hơn, khơi chuyện khéo léo hơn để trẻ nói cho bố mẹ biết thực hư. Có thể con chỉ bị phạt một lần khiến con ác cảm, có thể con đã bị đòn roi từ lâu mà cha mẹ không hay biết.

4. Bước tiếp theo, bố mẹ cần nói chuyện trực tiếp với giáo viên, nói rõ những thất thường của con và hỏi cách cô giáo trách phạt các bạn trong lớp. Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ cần “bắt sóng” thật nhanh thái độ, cử chỉ của cô, nếu thấy có gì đó không thật, lúng túng, lấp liếm thì tốt nhất bố mẹ nên tìm cho con một trường học khác. Đồng thời cũng cần gặp trực tiếp hiệu trưởng hoặc chủ trường/người có trách nhiệm quản lý để nói rõ lý do và thực trạng của con.

Với cách nói chuyện với con như thế, bố mẹ có thể giải quyết được nghi vấn trong đầu: Con có bị bạo hành ở trường hay không. Nội dung câu hỏi không quan trọng bằng cách hỏi, thái độ vui tươi, hào hứng khi nói chuyện với trẻ.

Ngoài ra, các bố mẹ cũng nên tìm hiểu một số cách bạo hành ở trường mà cô giáo áp dụng đối với các bé được cho là hư mà các phụ huynh khác chia sẻ:

bạo hành trẻ em

- Đánh vào lòng bàn chân, bàn tay: Chiêu này từ lâu đã được “lưu truyền” và được nhiều trẻ mách lại với cha mẹ. Lòng bàn chân, bàn tay là những vùng cơ rất nhạy cảm. Trẻ bị đánh vào đó sẽ cảm thấy đau, sợ hãi nhưng không để lại những vết bầm tím.

- Nhéo vào nách: Trẻ rất đau nhưng không để lại dấu vết.

- Lột truồng, bắt úp mặt vào tường để răn đe trẻ và các bạn cùng lớp: Thường được áp dụng khi trẻ có nhu cầu đi vệ sinh nhưng không nói với cô giáo mà tè, ị ra quần.

- Nhốt vào nhà vệ sinh: Áp dụng khi trẻ ăn chậm. Trẻ nhốt vào nhà vệ sinh sẽ phải đối diện với cơn sợ hãi và những con quái vật tưởng tượng.

- Rung lắc liên tục: Khiến trẻ sợ hãi mà không để lại dấu vết.

- Bắt trẻ bóp chân tay cho cô giáo: Đây là hình phạt “nhẹ nhàng” cho những bé lười ngủ trưa.

- Bắt ngồi thiền: Ngồi thiền là một “mỹ từ” để cô giáo cấm trẻ chạy nhảy, chỉ ngồi im trong lớp. Tuy không phải là một hình thức hành hạ trẻ nhưng phương pháp này sẽ trở nên cực phản cảm nếu diễn ra trong một thời gian dài và liên tục: cấm trẻ hoạt động tự do, giúp cô giáo nhàn hơn khi trông trẻ.

- Đối với trường có camera để phụ huynh theo dõi hoạt động của trẻ ở trường: Cô giáo muốn trừng phạt trẻ sẽ ngắt cầu dao điện, ngắt camera trước khi “hành động”.

- Dạy trẻ nói về hành động trừng phạt của cô bằng một khái niệm khác: Cô yêu, con ba ba nó cắn…

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự