Mới đây, ông Zhao - một người đàn ông ở Trung Quốc mới đây khiến nhiều người ngạc nhiên và kinh hoàng. Bởi qua xét nghiệm cho thấy, huyết tương của ông có màu trắng chứ không phải màu vàng, huyết tương đặc quánh màu trắng như sữa.
Theo lời ông Zhao, ông là người rất thích ăn thịt. Hàng ngày, ông tiêu thụ một lượng thịt rất lớn. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ bên trong huyết tương chủ yếu là chất béo. Thậm chí, cao gấp 25 lần so với quy định dẫn đến viêm tụy cấp tính.
Không chỉ ông Zhao mà ngay tại Việt Nam nhiều người vẫn thường xuyên ăn thịt trong các bữa ăn. Có người chỉ thích ăn thịt mà không động đến rau, củ hay các chất xơ. Ăn thịt bò, thịt lợn quá khiến cơ thểno lâu hơn vì lượng đạm nhiều hơn nhưng thực tế không phải đã đủ chất như mọi người nghĩ.
Anh Hoàng Dũng (Khu đô thị Linh Đàm) cho biết, bản thân anh đã quen ăn thịt từ khi còn nhỏ. Bố mẹ không định hướng các thực phẩm cần ăn nên thói quen này theo anh từ khi còn nhỏ cho đến bây giờ đã có gia đình. Số lượng rau anh ăn hàng ngày rất ít, bữa cơm chỉ thực sự ngon miệng với anh nếu như có thịt và thường ăn nhiều hơn các món khác.
"Tôi chưa gặp vấn đề gì về sức khỏe, nhưng thói quen này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Đặc biệt là mỡ máu hoặc thiếu chất xơ nên ảnh hưởng hệ tiêu hóa. Cho nên đến nay tôi vẫn chủ quan chưa thay đổi thói quen ăn uống này", anh Dũng nói.
Không chỉ anh Dũng mà nhiều bạn trẻ hiện nay thường rất ít ăn rau củ, cá mà chọn các đồ ăn làm từ thịt gà, thịt lợn, thịt bò. "Ăn thịt nhiều khiến cho tôi nhiều lần bị táo bón. Sau đó điều chỉnh chế độ ăn sang ăn rau nhiều hơn thì có đỡ nhưng vẫn tái lại", một bạn trẻ cho hay.
Nguy hiểm khi ăn nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ là thực phẩm nguy hiểm nhất trên thế giới mà chúng ta vẫn đang sử dụng, bởi nó có khả năng kích hoạt các tế bào ung thư trong cơ thể. Hai hóa chất có trong thịt đỏ là các amin dị vòng (HCAs) và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) được hình thành khi thịt đỏ được nấu dưới nhiệt độ cao. Khi amin dị vòng xuất hiện, các acid amin, creatine, protein, đường sẽ phản ứng với nhau và làm kích hoạt tế bào ung thư.
Ngoài ung thư, những người thường xuyên ăn thịt đỏ cũng sẽ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như béo phì và các bệnh tim mạch khác. Cholesterol có trong thịt đỏ có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau tim. Mặt khác, khi ăn nhiều thịt đỏ, các chất béo có trong nó sẽ tạo thành một lớp dày phủ quanh trái tim của bạn, từ đó vô hiệu hóa chức năng bơm máu và làm giảm quá trình lưu thông máu đến tim và não, dẫn đến đột quỵ.
Ăn thịt thế nào hợp lý?
Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên bác sĩ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, nghiên cứu của Viện cho thấy, người Việt ăn khoảng 170-200g rau/ngày, trong khi mức khuyến cáo của WHO là gấp đôi số lượng này. Trong khi đó, lượng cá chỉ có 60g/ngày, trong khi lượng khuyến cáo là 300g/ngày. Nhưng thịt lại được ăn với lượng gấp 2-3 lần so với rau.
Ăn thịt nhiều là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mỡ máu cao. Cụ thể như khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, khảo sát với 5000 người từ 24-74 tuổi giai đoạn 2007-2010 cho thấy, số người có mỡ máu cao chiếm đến 29%. Riêng ở vùng thành thị, số người có mỡ máu cao tới 44,3%.
Mỡ máu tăng cao là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, bệnh gan, thận và tiểu đường. Đặc biệt nguy hiểm là mỡ máu còn gây nên tắc nghẽn mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ bất ngờ không ai lường trước được.
Thận là cơ quan phải lọc và bài tiết các chất thừa trong cơ thể. Khi cơ thể ăn nhiều thịt, thận phải làm việc nhiều hơn để bài tiết hợp chất nito độc hại. Khi tuổi càng cao thì hoạt động của thận kém đi, nếu phải gắng sức bài tiết khiến suy thận.
Một khi thận hoạt động kém không bài tiết, đào thải các hợp chất nito độc hại thì acid uric trong máu tăng cao. Chúng sẽ đọng lại ở các khớp ngón tay, ngón chân đây chính là nguyên nhân gây bệnh gút. Khi đó, các khớp thường bị sưng tấy, đau đớn gây khó chịu cho người bệnh.