Nguy cơ bùng phát dịch cúm H7N9 tại Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Theo ghi nhận mới đây nhất tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) nằm sát biên giới Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp mắc cúm H7N9 trong bối cảnh đã có 47 người ở quốc gia đông dân nhất thế giới tử vong vì dịch cúm này. Điều này đã đưa ra cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm H7N9 tại nước ta.

Dịch cúm H7N9 đã tiến sát biên giới Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ tháng 3/2012 đến cuối năm 2013, trên thế giới ghi nhận 147 trường hợp mắc, 47 người tử vong vì cúm H7N9. Trong đó, số ca mắc ở Trung Quốc là 144 (3 ca còn lại ở Đài Loan và Hồng Kông) và số ca tử vong là 47.

Dịch cúm nguy hiểm này đang tiếp tục lan rộng xuống phía nam Trung Quốc và trường hợp mắc gần đây nhất ghi nhận được là ở Quảng Đông, đưa tổng số ca mắc ở địa phương sát biên giới Việt Nam lên con số 5. Nguy cơ bệnh dịch cúm H7N9 xâm nhập và gây dịch bệnh ở Việt Nam là rất lớn do đã ghi nhận các trường hợp mắc tại các tỉnh gần đường biên giới. Người Việt Nam giao lưu đi lại với các tỉnh phía nam Trung Quốc nhiều và buôn bán, vận chuyển gia cầm chưa kiểm soát tốt.

Mô tả ảnh.
Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9 tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, vi rút cúm A (H7N9) lưu hành trên các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát trên gia cầm. Trong khi đó, đã có bằng chứng rõ ràng về việc giảm số ca mắc ở người khi đóng cửa các chợ bán gia cầm sống tại Trung Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy 69% bệnh nhận có phơi nhiễm với gia cầm; xét nghiêm hơn 600.000 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm tại Trung Quốc phát hiện 53 mẫu dương tính với H7N9. Chính phủ Trung Quốc ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ USD do tác động của dịch bệnh này với nền kinh tế.

Tỷ lệ tử vong cao hơn cả dịch SARS

“Đáng nói, các chuyên gia rất quan ngại khả năng lây từ gia cầm sang người ở vi rút H7N9 còn mạnh hơn vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Thực tế dịch tại Việt Nam cũng như trên thế giới, số mắc cúm A/H5N1 rất ít. Trong khi đó, cúm A/H7N9 vẫn tiếp tục tăng lên, có xu hướng lan rộng và tỉ lệ tử vong cao hơn cả dịch SARS”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã xác nhận rằng H7N9 được truyền từ gà sang người. Tuy nhiên, WHO lại cho biết 40% số người nhiễm H7N9 dường như không có tiếp xúc với gia cầm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết chủng cúm gia cầm này hiện không thể gây ra một đại dịch với hình thái hiện tại của nó. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ không biến đổi và gây ra một đại dịch nghiêm trọng.

Mô tả ảnh.
Cúm H7N9 có nguy cơ tử vong cao.

Đáng nói, bệnh không chỉ diễn ra trên diện rộng, nhiều tỉnh của Trung Quốc mà đã lây sang vùng lãnh thổ Đài Loan. Thời báo Đài Bắc cho biết bệnh nhân là một cụ ông (86 tuổi) đến từ tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Ông đến Đài Loan du lịch từ ngày 17-12 và có triệu chứng nhiễm bệnh hai ngày sau đó. 

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan cho biết có khoảng 500 người đã tiếp xúc với cụ ông này. Họ là người thân, hướng dẫn viên du lịch, tài xế xe buýt, nhân viên y tế và bệnh nhân trong bệnh viện nơi mà ông đến khám và điều trị sau khi bị sốt. Đã có ba nhân viên y tế có biểu hiện nhiễm bệnh. Giới chuyên gia y tế Đài Loan nhận định điều này chứng tỏ ngành y tế lãnh thổ này vẫn đang đối mặt với những khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh H7N9. Cơ quan y tế Đài Loan yêu cầu 149 người tiếp xúc trực tiếp với cụ ông báo ngay cho bác sĩ biết nếu có những triệu chứng cảm cúm hay sốt.

Hồi tháng 4-2013, Đài Loan ghi nhận một trường hợp nhiễmm H7N9 là một người đàn ông 53 tuổi làm việc ở thành phố Tô Châu. Ông đã nhiễm bệnh chỉ ba ngày sau khi trở về từ Trung Quốc qua đường Thượng Hải. Chính quyền Đài Loan đã ban hành khuyến cáo cư dân của họ cẩn trọng khi đến du lịch hay làm việc ở Trung Quốc trong thời gian này.

Khuyến cáo của WHO để tránh bị nhiễm virus cúm A/H7N9

Biện pháp quan trọng là phải cảnh giác với virus này vì nó có thể xuất hiện tại Việt Nam. Gia cầm và sản phẩm gia cầm (trứng) có thể là an toàn nếu sử dụng và chế biến đúng cách. Virus cúm gia cầm sẽ bất hoạt ở nhiệt độ đạt được trong nấu ăn thông thường (70 độ C).

Trong khu vực bị nhiễm virus, các sản phẩm thịt có thể được tiêu thụ một cách an toàn với điều kiện là các mặt hàng được chế biến và xử lý đúng cách trong quá trình chế biến thực phẩm. Việc ăn thịt chưa chín sẽ mang lại nguy cơ lây nhiễm cao. Cần phải giữ thịt sống tách biệt với thực phẩm đã nấu chín.

Không cùng thái thịt sống và chín trên cùng 1 thớt, sau khi dùng thớt phải rửa sạch. Không sử dụng trứng sống hoặc trứng luộc lòng đào.

Cần phải vệ sinh tay: Rửa tay bằng xà bông, cồn, hoặc chất có cồn trước, trong, và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi xử lý động vật và chất thải động vật. Vệ sinh tay sẽ phòng tránh lây nhiễm cho chính bạn và người khác.

Vệ sinh đường hô hấp: Che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế khi ho hoặc hắt hơi; bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng đóng ngay lập tức sau khi sử dụng, thực hiện vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn