Thầy giáo Trần (Liêu Ninh, Trung Quốc) trong suốt 30 năm làm nghề đã quan sát và nhận thấy rằng, những học sinh khi trưởng thành đạt nhiều thành tựu lớn thường có những điểm chung nhất định. Chúng có thể không đứng thứ nhất, thứ hai trong lớp nhưng vẫn thuộc top 10, năng động trong các hoạt động phát triển bản thân, sở thích phong phú ngoài việc học tập.
Đặc biệt, thầy Trần nhận thấy 90% những đứa trẻ lớn lên thành công, hạnh phúc đều được nuôi dậy bởi 4 kiểu phụ huynh này:
Cha mẹ thường xuyên đồng hành cùng con
Hiện nay có nhiều cha mẹ vì quá bận rộn nên bỏ bê con cái, phó mặc trách nhiệm giáo dục cho thầy cô giáo ở trường. Những phụ huynh này cho rằng nhiệm vụ của họ là kiếm tiền cho trẻ đi học, kết quả con hư hay ngoan, học giỏi hay chưa giỏi đều là do giáo viên. Về điểm này, thầy Trần không đồng tình.
Trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Trần từng chứng kiến có những phụ huynh dù giữ vị trí quản lý trong doanh nghiệp lớn của tỉnh vẫn không bỏ lỡ bất cứ buổi họp phụ huynh nào của con. Dù bận trăm công nghìn việc, người cha ấy vẫn nắm bắt tốt tình hình học tập của con gái, tích cực trao đổi với giáo viên nếu có vấn đề và không ngừng động viên con dù kết quả bài thi có ra sao. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, học sinh này đã đỗ ĐH trọng điểm và tiếp tục học Thạc sĩ tại nước ngoài.
Hay một gia đình nghèo ở Sơn Tây (Trung Quốc), cuộc sống tuy khó khăn nhưng người cha họ Phùng quyết tâm kiếm tiền để các con được học tập tử tế. Kết quả 20 năm dù phải sống trong nhà thuê, ông Phùng và vợ đã nuôi dạy được 3 người con đều trở thành Thạc sĩ tại các ngôi trường nổi tiếng.
Cha mẹ coi trọng việc đọc sách
Bên cạnh việc học tập trong sách vở thì đọc sách là cách để trẻ tiếp thu kiến thức ở thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng và hiệu quả. Rất nhiều phụ huynh ngày đã đã chú trọng rèn luyện thói quen đọc sách cho con từ khi còn nhỏ.
Trong lớp thầy Trần có một học sinh học rất giỏi, trong cuộc thi viết thơ của trường cũng giành giải Nhất. Bí quyết của phụ huynh cậu bé là: “Chúng tôi chỉ mua sách chất đầy nhà, thời gian rảnh cả nhà sẽ đọc sách và thảo luận”.
Trước đây cậu bé này từng rất nghịch ngợm, không bao giờ làm bài tập về nhà. Nhưng khi có niềm đa mê với sách thì tính tách và thói quen của cậu đều thay đổi rõ rệt. Thầy Trần sau này nghe nói cậu bé đã trở thành nhà văn có tiếng, xuất bản nhiều tựa sách bán chạy.
Cha mẹ biết kiểm soát cảm xúc của bản thân
Khi nuôi dạy con cái, cha mẹ cần kiềm chế cảm xúc, tránh làm tổn thương con cái trong lúc nóng giận. Chỉ khi cha mẹ kiểm soát được lời nói, hành động của bản thân tốt thì con cái lớn lên mới luôn giữ được bình tĩnh và có EQ cao.
Thầy Trần kể về một trường hợp phụ huynh giáo dục con gái từ học sinh trung bình trở thành sinh viên đứng đầu ĐH Bắc Kinh top đầu Trung Quốc. Khi cô bé trượt cấp 3, người cha không trách mắng mà tự an ủi chính mình. Sau đó, ông ôm chặt và động viên con gái: “Không đỗ được vào một trường cấp 3 trọng điểm không có nghĩa là con không thể đỗ vào ĐH danh tiếng. Sự nỗ lực và chăm chỉ trong 3 năm tới mới quyết định tương lai thực sự của con”.
Cha mẹ làm gương tốt cho con
Có nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con cái chơi điện thoại cả ngày, không làm bài tập khiến cha mẹ bất lực. Thực tế, một trường học ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) từng tổ chức cuộc thi viết luận, trong đó có câu hỏi về thói quen xấu của người lớn. Theo lời ban giám khảo thì vô số bài thì viết rằng cha mẹ các em rất thích chơi điện thoại di động, bố xem tin tức, mẹ mua sắm, ông bà cũng không ngoại lệ.
Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, khi trẻ nghiện điện thoại liệu có bao nhiêu phụ huynh tự tin nhìn nhận lại thói quen của bản thân? Vì vậy, muốn giáo dục con thì cha mẹ phải tự mình trở thành một tấm gương tốt. Nếu như cha mẹ nỗ lực hoàn thiện bản thân tiến bộ hơn mỗi ngày thì thầy Trần khẳng định con cái của họ trong tương lai sẽ ngày càng tiến xa.