Thứ rau xưa vứt cho lợn khi đói mới ăn, giờ thành đặc sản nhiều chị em săn lùng, nấu món này cực ngon

15:02, Thứ tư 11/10/2023

( PHUNUTODAY ) - Ngày trước khi nghèo đói, lúc đông giá hiếm rau ăn thì mới dùng tới ngó khoai, bây giờ chúng được đưa lên phố bán và được nhiều người săn lùng

Ngó khoai hay còn gọi là dải khoai, bồng khoai là phần mọc ra từ thân những cây khoai ngứa, khoai môn ngọt, cây mùng... Vào mùa mưa chúng bò lan dưới mặt đất, to bằng ngón tay dài có thể tới cả mét. Nếu người dân lấy dọc khoai, dọc mùng để làm món bún dọc mùng thì phần ngó khoai này mềm nhũn hơn thường được dùng để nấu canh.

ngo khoai

Thời xưa chủ yếu là cây khoai ngứa, tức sờ tay vào là bị ngứa nên việc chế biến món này khá lâu vì phải tước vỏ, phải sơ chế cho bớt ngứa không thì khi ăn sẽ bị ngứa. Cũng vì như vậy nên ngày xưa loại rau này chủ yếu vứt cho lợn, ít nhà ăn, hoặc thỉnh thoảng mới ăn. Tuy nhiên ngày này đã có giống dọc khoai ngọt tức là cả dọc và ngó đều không bị ngứa. Tuy nhiên ngó của cây dọc khoai ngọt này ăn nhạt hơn cây có tính ngứa kia.

Gần đây ở thành phố nhiều người sơ chế tước vỏ hút chân không bán ngó khoai với giá lên tới gần trăm nghìn đồng một cân.

Công dụng của ngó khoai

Chưa có nhiều tài liệu y khoa về loại ngó khoai này nhưng kinh nghiệm dân gian thì dọc khoai ngó khoai là loại rau thanh nhiệt, tính mát, ăn giải nhiệt rất tốt. Thế nên xưa kia ở nông thôn, ngó khoai dọc khoai được ăn vào mùa hè, nấu canh để thanh nhiệt. Cũng vì chúng có tính mát nên những người đang bị tiêu chảy hạn chế ăn. 

ngo khoai tuoc vo

Chế biến món canh ngó khoai nấu mẻ

Chuẩn bị nguyên liệu

- Ngó khoai 5 lạng

- Rau dền cơm

- 1 ít tôm khô (tôm khô có tác dụng làm ngọt canh hơn), hoặc nấu cùng hến, ngao

- Cà chua 3 quả

- Mẻ (nếu gia đình nào không ăn mẻ thì có thể dùng quả chua thay thế, nhưng với cư dân của nhiều nơi thuộc đồng bằng sông Hồng thì mẻ là một gia vị tạo chua không thể thiếu và tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn)

-Tỏi băm nhỏ

- Gia vị

- Tía tô, rau ngổ

canh ngo khoai

Cách làm:

- Dải khoai tước vỏ rửa sạch, cắt khúc khoảng 5cm Nếu mua sẵn thì không phải tước. Kinh nghiệm tước vỏ khoai không bị ngứa là dùng móng tay chứ không dùng dao, dùng dao sẽ làm ngứa hơn. 

- Tôm khô ngâm nước sau đó rửa sạch

- Cà chua thái bổ cau

- Rau dền cơm, rau ngổ, tía tô rửa sạch, thái nhỏ

- Mẻ lọc lấy nước.

Xào ngó khoai: Ngó khoai muốn không ngứa thì khi tước vỏ xong cho vào bóp với muối hạt rồi rửa sạch. Bóp 2-3 lần cho đỡ ngứa. Sau đó cho vào chần qua nước sôi. Nếu muốn ăn nấu nhừ thì xào đảo lại trên bếp, không cho nước, cách xào này cũng là kinh nghiệm giúp bớt ngứa.

Sau khi xào ngó khoai xong thì nêm nước, cho tôm khô, và nêm gia vị, xếp cà chua lên trên. Cho thêm nước mẻ và đun sôi cho khi ngó khoai mềm nhừ. Sau đó cho thêm dền cơm, các loại rau thơm là hoàn thành món ăn thanh mát dân dã đơn giản. 

Một số gia đình sẽ thêm xương ninh nước cho ngọt, hoặc nấu với nước luộc hến, luộc ngao thì rất hợp vị.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: An Nhiên