Rau cải cúc còn được gọi là rau tần ô. Đây là loại rau khá quen thuộc với các gia đình. Cải cúc có thể dùng để nấu canh, nhúng lẩu... Ngoài phần lá và thân thường được dùng làm rau, hoa và rễ cây cũng có thể sử dụng làm thuốc.
Tác dụng của rau cải cúc đối với sức khỏe
- Bảo vệ gan, làm mát gan
Rau cải cúc chứa nhiều carotene và các axit amin có tác dụng bảo vệ gan. Ngoài ra, loại rau này còn cung cấp kali giúp cơ thể sửa chữa, điều chính các tế bào bị tổn thương. Nó còn có tác dụng thúc đẩy chức năng trao đổi chất của gan, giúp gan hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, kali còn góp phần vào việc điều chỉnh sự cân bằng axit - bazo trong cơ thể. Thường xuyên ăn rau cải cúc là cách đơn giản để bổ sung dinh dưỡng cũng như góp phần bảo vệ và nuôi dưỡng gan.
- Nhuận tràng, kiện tỳ
Cải cúc chứa nhiều chất xơ có tác dụng tốt đối với quá trình tiêu hóa, giúp đẩy nhanh nhu động ruột, thúc đẩy quá tình đại tiện. Ngoài ra, chất xơ trong cải cúc cũng góp phần làm giảm mức cholesterol trong cơ thể.
Các thành phần tinh dầu dễ bay hơi trong cải cúc cũng có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn, giúp ăn ngon.
- Tăng khả năng miễn dịch
Các dưỡng chất có trong rau cải cúc đều mang đến lợi ích đối với sức khỏe. Đặc biệt, chất selen trong loại rau này có tác dụng cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp phòng ngừa bệnh tật, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus.
- Làm dịu thần kinh, cải thiện chất lượng giấc ngủ
Rau cải cúc có mùi thơm dễ chịu, giàu vitamin, axit amin có tác dụng an thần, ổn định tâm trạng, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, nó còn góp phần vào việc bảo vệ não, ngăn ngừa tình trạng suy giảm trí nhớ cũng như giúp hạ huyết áp.
- Giải cảm, trị ho
Rau cải cúc có thể sử dụng như một bài thuốc để trị cảm cúm, ho. Ăn canh rau cải cúc thường xuyên là cách giúp trị ho đơn giản.
Để trị cảm cúm, bạn có thể lấy 150 gram rau cải cúc tươi, rửa sạch để ráo và cho vào tô. Đổ cháo nóng vừa mới sôi vào tô cải cúc và để 5-10 phút cho rau chín. Trộn đều rau và cháo rồi ăn. Món cháo cải cúc này có tác dụng giải cảm nhanh, hiệu quả.
Ngoài ra, có thể nấu rau cải cúc với thịt nạc và gừng đập dập, ăn khi còn nóng để giải cảm.
- Tăng sữa sau sinh
Phụ nữ sau sinh có thể ăn canh rau cải cúc nấu với thịt nạc để tăng khả năng tiết sữa, giúp có nhiều sữa cho con bú.
Những người không nên ăn cải cúc
Rau cải cúc chứa nhiều dưỡng chất, mang đến nhiều tác dụng cho cơ thể nhưng khi chế biến và sử dụng cũng cần chú ý đến một vài điểm.
Người đang bị tiêu chảy, lạnh bụng nên tránh ăn rau cải cúc do loại rau này có tính hàn, chứa nhiều nước. Ăn rau cải cúc vào thời điểm đang bị tiêu chảy, lạnh bụng có thể làm tình trạng trở nên nặng hơn.
Người huyết áp thấp nên tránh ăn rau cải cúc quá nhiều vì có thể dẫn tới tình trạng tụt huyết áp.
Trước khi chế biến, cần rửa rau cải cúc thật sạch. Lưu ý, rau cải cúc thân khá mềm nên cần rửa nhẹ tay, tránh vò nát làm mất dinh dưỡng trong rau.
Người khỏe mạnh cũng chỉ nên dùng một lượng rau cải cúc vừa phải, khoảng 100-150 gram mỗi lần, ăn không quá 3-4 lần/tuần.