Không ngừng vận động
Khi tuổi tác tăng lên, cơ thể, đặc biệt là xương, cơ và khớp, bắt đầu cho thấy dấu hiệu lão hóa, ảnh hưởng tới khả năng di chuyển. Song, duy trì các hoạt động thể lực có thể giúp chúng ta giữ được sự linh hoạt và đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ.
Trong một nghiên cứu tổng hợp năm 2012 đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu về lão hóa ở Hoa Kỳ, người ta đã chỉ ra rằng việc tham gia vào các hoạt động thể chất có thể giảm thiểu nhiều yếu tố nguy cơ gây tử vong chính, bao gồm bệnh cao huyết áp, tiểu đường loại 2, rối loạn chất béo trong máu, bệnh tim mạch và đột quỵ, cũng như một số loại ung thư.
Từ phân tích 13 nghiên cứu về mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và tỷ lệ tử vong, người ta phát hiện ra rằng những người thường xuyên vận động có thể giảm nguy cơ tử vong do các nguyên nhân khác nhau từ 30-35% so với những người ít vận động. Theo các chuyên gia, người có lối sống hoạt bát có thể thêm được tới 7 năm tuổi thọ.
Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy việc tăng cường hoạt động thể chất, kể cả những sự thay đổi nhỏ như đi bộ thêm mỗi ngày, cũng có thể có ảnh hưởng tích cực đáng kể đối với sức khỏe và tuổi thọ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa ra khuyến nghị rằng mỗi người nên thực hiện các bài tập thể dục ở mức độ vừa phải ít nhất là 150 phút mỗi tuần, và tập luyện nhiều hơn nữa sẽ càng tốt hơn.
Luôn kết nối với mọi người
Ở Pakistan, tuổi thọ bình quân chỉ đạt 66 tuổi, nhưng tại thung lũng Hunza, nằm biệt lập giữa những ngọn núi của quốc gia này, con số này là 100. Kể từ năm 2021, một nhóm các nhà khoa học người Mỹ đã dành thời gian sống tại Hunza và khám phá ra các yếu tố có khả năng đóng góp vào sự chênh lệch đáng chú ý về tuổi thọ này.
Một yếu tố được xác định là tình đoàn kết, sự gắn bó giữa cộng đồng người dân trong làng giúp họ duy trì sức khỏe tốt và có tuổi thọ cao. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng mạng lưới xã hội chặt chẽ có ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của con người.
Chuyên gia Samantha Shea nói: "Các cộng đồng và làng ở đây rất khăng khít. Người dân Hunza quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, nhất là với những người cao tuổi. Ở Hunza không hề có viện dưỡng lão. Người già ở đây được gia đình tôn trọng và chăm sóc chu đáo". Trải qua hai năm sống tại làng, cô thấy rằng mình chưa từng chứng kiến một cộng đồng sống đoàn kết như vậy.
Tránh thực phẩm chế biến sẵn
Một nghiên cứu được đăng tải vào năm 2017 trên tạp chí New England Journal of Medicine đã chỉ ra rằng, việc cải thiện chế độ ăn uống kể cả khi đã bước vào tuổi trung niên hoặc sau đó có thể giúp tăng cường tuổi thọ thêm nhiều năm. Cụ thể, nghiên cứu tìm thấy việc nâng cao chất lượng chế độ ăn uống lên 20% có thể giảm được tỉ lệ tử vong tổng thể lên đến 14%.
Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị mọi người nên tích cực tiêu thụ nhiều loại trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, chất béo không bão hòa và protein từ nguồn thực phẩm ít mỡ, đồng thời hạn chế muối, đường và các phụ gia thực phẩm.
Đây cũng chính là bí quyết duy trì sức khỏe mà người dân thung lũng Hunza đã áp dụng. "Ở đây, người ta ít khi tiêu thụ thực phẩm đã qua chế biến và bạn sẽ không thể tìm thấy cửa hàng fast food nào. Các bữa ăn thông thường đều được chuẩn bị từ nguyên liệu tươi sống ngay tại nhà. Gần như mỗi gia đình đều tự trồng rau của mình", Samantha Shea chia sẻ.
Giảm đồ ăn từ động vật
Nghiên cứu về những "Blue Zones" - những khu vực đặc biệt trên thế giới nơi tỷ lệ người sống lâu hơn một thế kỷ cao hơn so với mức trung bình, cũng chỉ ra rằng việc tiêu thụ thịt ít đi có thể góp phần vào việc sống thọ.
Các phát hiện cho thấy cư dân sống thọ trong các Blue Zones chỉ ăn khoảng 57 gram thịt hoặc thậm chí ít hơn, khoảng năm lần mỗi tháng, so với lượng thịt tiêu thụ của dân số nói chung. Họ cũng tiêu thụ lượng sữa rất hạn chế.
Ở 4 trong số 5 Blue Zones, người dân tiêu thụ thịt nhưng với lượng rất nhỏ. Thịt thường chỉ được dùng như một phần phụ gia, và chế độ ăn của họ chủ yếu là thực phẩm từ thực vật, chiếm tới 95%.
Sống lạc quan
Các cụ già thường phải đối mặt với stress kéo dài do khả năng tự chăm sóc bản thân giảm sút. Tuy vậy, đáng chú ý là quá nửa số người sống thọ đến 100 tuổi không hề mắc chứng trầm cảm và họ cũng ít bị ám ảnh bởi nỗi lo.
Sức mạnh tích cực của tâm hồn, cùng với khả năng thích nghi vững vàng trước sóng gió cuộc đời, giúp họ đối diện với thách thức một cách nhẹ nhàng hơn. Điều này được phản ánh trong một nghiên cứu về ngành Geriatrics được công bố trên thư viện Y khoa của Hoa Kỳ.
Không hút thuốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng nghiện nicotine có thể dẫn đến tử vong cho khoảng một nửa số người hút thuốc. Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa tuổi thọ và hút thuốc cho thấy, hút thuốc làm tăng nguy cơ tử vong và gây nên nhiều bệnh tật mãn tính phổ biến ở người già. Kết quả là phần lớn, chiếm đến 83,8%, những người đạt được cột mốc 100 tuổi không hề có thói quen hút thuốc.
Nghiên cứu xuất bản trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2004 cũng nhấn mạnh rằng hút thuốc, khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác như huyết áp cao và tiểu đường, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tàn tật, cũng như làm tăng tỷ lệ tử vong.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ có 2,7% người sống đến 100 tuổi từng hút thuốc.