Bị mảnh xương trong nước hầm cháo đâm vào khí quản, bé trai 20 tháng tuổi nguy kịch

13:19, Thứ tư 20/10/2021

( PHUNUTODAY ) - Khi được đưa vào bệnh viện, bé trai đang ở trong tình trạng bứt rứt, khò khè, khó thở, tím tái, miệng nhiều đàm nhớt.

Khoảng hơn 1 tuần trước khi đến Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhi có biểu hiện khò khè, thở mệt. Sau khi điều trị tại BS tư 2 ngày không đỡ, gia đình đã cho bé nhập viện tại bệnh viện địa phương ở Long An. Tại đây bé được chẩn đoán hen phế quản năng. Nhưng sau 1 tuần tình trạng của bệnh nhi nặng hơn nên các bác sĩ đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, bệnh nhi có biểu hiện khò khè, khó thở, rút lõm ngực, thở gật gù cổ, nhiều đàm nhớt, bứt rứt, tím tái nên được đặt nội khí quản, giúp thở, truyền thuốc dãn phế quản và phun khi dung thuốc dãn phế quản qua máy thở, cũng như sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi vẫn không cải thiện nên được chụp CT scan phổi. Kết quả cho thấy hình ảnh dị vật kích thước 0,5x1cm ở ngay chỗ chia đôi khí quản thành phế quản gốc bên phải và trái, hơi nằm chếch bên trái. Bệnh nhi được hội chẩn các chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng, tiến hành nội soi đường thở cấp cứu sau khi có test nhanh COVID-19 âm tính.

Mảnh xương được lấy ra từ phế quản bệnh nhi

Mảnh xương được lấy ra từ phế quản bệnh nhi

Sau nội soi, các bác sĩ gắp ra được mảnh xương heo hình tam giác kích thước 0,5x1cm có bờ sắc nhọn cắm vào thành phế quản gốc bên trái.

Theo thông tin cung cấp từ phụ huynh, gia đình dùng nước hầm xương nấu cháu thịt cho bệnh nhi ăn nhưng vô tình còn sót mảnh xương.

Khi cho trẻ ăn cháo ninh từ nước hầm xương cha mẹ cần hết sức lưu ý vì trong nước xương dễ có nhiều mảnh xương vụn nhỏ, khó quan sát thấy. Trẻ ăn áo lại thường nuốt luôn nên cũng không nhằn được xương.

Những điều không được làm khi trẻ hóc xương

- Cha mẹ không được tùy tiện dùng tay mò mẫm trong họng trẻ vì có thể đẩy xương vào sâu cuống họng, khiến trẻ khó thở.

- Không ép trẻ uống nước hay nuốt miếng cơm to vì có thể gây tai biến chết người.

- Không khuyến khích trẻ khạc mạnh nhiều lần vì có thể gây tai biến nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

- Không dùng các mẹo chữa hóc xương trong dân gian như nhét tỏi vào lỗ mũi, nuốt vỏ cam, ngậm vitamin C,…

Những biện pháp đề phòng trẻ hóc xương

- Luôn kiểm tra kỹ lưỡng thức ăn để loại trừ xương trước khi cho trẻ ăn.

- Nên nghiền kỹ thức ăn, nấu lẫn cá hay thịt gia cầm trước khi cho trẻ nhỏ ăn.

- Dạy trẻ cảnh giác với xương khi ăn.  

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy