Chị hay kể về mẹ, mới hôm qua còn mang quà của mẹ cho chúng tôi, sao nay lại nói về giỗ mẹ?

( PHUNUTODAY ) - Tôi đã từng gặp mẹ chị, và mới hôm qua chị còn mang đồ ăn mẹ gửi lên chia cho chúng tôi thế mà chị lại xin nghỉ tuần sau để về làm giỗ mẹ. Điều đó khiến tôi ngay tắp lự không thể hiểu là chuyện gì đang diễn ra

Chúng tôi làm việc cùng với nhau. Chị là người xởi lởi lạc quan hay cười. Đặc biệt chúng tôi luôn quấn lấy chị vì tuần nào chị cũng có thứ quà quê gì đó ngon lành mà mẹ gửi lên. Chị thường chia cho mọi người ăn cùng. Những thứ đồ sống như rau, thịt thì thỉnh thoảng chị nấu rồi mời mọi người cùng ăn trong bữa trưa văn phòng. Một lần chúng tôi được gặp mẹ chị là khi chị bị quệt xe phải vào viện, mẹ chị lên chăm. Bà rất gần gũi. Chúng tôi tới thăm thấy hai mẹ con cười nói rồi chị cứ nhanh chóng bảo “Mai mẹ về nhé, con đi được rồi này, về không bố mong”.

Mỗi lần chúng tôi thảo luận công việc, chị hay đưa dẫn chứng về mẹ chị. Nào là chuyện mẹ chị đi bắt ghen thay con dâu và tách anh trai chị với cô em gái mưa ra sao. Nào là chia sẻ kinh nghiệm món ăn vặt mẹ chị làm ra sao. Nào là kỷ niệm hồi đi học, chị bị cô giáo phạt phải quét dọn nhà vệ sinh trong khi chị mới bị gãy tay, mẹ chị đã tới trường nói phải trái với cô giáo ra sao, xử lý thế nào… Có lần chúng tôi đang chuẩn bị tiệc trung thu cho con em nhân viên công ty, chị cũng gọi mẹ gỡ rối vụ pha nước sốt chua ngọt và vụ chiên giòn nấm.

me va con

Thế nên chúng tôi ngưỡng mộ tình cảm mẹ con của chị lắm. Có lần chúng tôi nói chị có người mẹ tuyệt nhỉ, chắc bà hiền nhỉ thì chị nói “Không, mẹ chị không hiền, mẹ chị biết điều, chứ hiền để bị bắt nạt à, hiền thì làm sao nuôi được tụi chị”.Xong chị kể ngày còn nghèo mẹ chị là công chức nhưng tối tranh thủ đi bán đồ ăn vặt ngoài vỉa hè. Có lần bà về nhà, chị ngồi trông hàng bị mấy người khác cũng muốn chiếm chỗ đó bán, nên đến gây chuyện. Mẹ chị ra thấy một người đàn ông đang cầm tay chị, bà cầm luôn cái đòn gánh nước giơ lên, xong bà hét lớn “Cậy người lớn bắt nạt trẻ con mà cũng làm được à”…

Chính vì thế tôi ngạc nhiên, mới hôm qua chị còn bảo mẹ mới gửi lên ít trứng gà, mà sao hôm nay chị lại báo lịch nghỉ cuối tuần sau, lý do “chị về giỗ mẹ”. Tôi tự dưng á khẩu vì khó liên kết câu chuyện với nhau. Xong chị bảo “À, em này chưa biết, mẹ đẻ chị mất lâu rồi, từ khi chị bé tí, còn mẹ chị bây giờ là mẹ hai, là mẹ ruột của em gái chị”.

Thì ra người đó là mẹ kế của chị thôi. Chị bảo chị ơn mẹ kế vì ngày bố và mẹ kế lấy nhau, chị mới 6,7 tuổi, anh trai chị thì 10 tuổi. Thế nên mẹ con quấn quýt nhau. Chị bảo lúc đầu cũng sợ lắm, chỉ sợ này nọ, mẹ con cũng từng đối đầu nhau. Nhưng mẹ chị nói: Giờ một chúng ta là mẹ con, hai chúng ta là kẻ thù các cháu thích chọn thế nào thì cô xử thế ấy. Chị bảo một đứa trẻ hơi khó hiểu điều đó nhưng lờ mờ biết rằng đó là người phụ nữ thẳng thắn. Sau này khi ở lâu với nhau có tình cảm thì chị không nghĩ mẹ là mẹ kế nữa nên mọi chuyện dễ xuôi, không nghi kỵ. Bà cũng chỉ sinh có 1 em nữa còn lại tập trung nuôi cả 2 đứa con chồng.

Điều đặc biệt là chị nói “Mẹ chị, mẹ chị”. Chị bảo cũng có lúc có chuyện xảy ra. Ví dụ như mỗi lần bố con chị về bên ngoài lễ lạt, mẹ kế có mua đồ lễ nhưng khi đi giữa đường thì bố chị thường mua thêm vì ông sợ nhà ngoại chị nghĩ mẹ kế chị kẹt, nhưng nói với mẹ kế thì sợ mẹ kế buồn. Rồi khi có em ra đời thì chị cũng từng sợ mẹ và bố yêu em hơn. Nhưng quan trọng mẹ chị công bằng, việc đi học của các con được lo đều như nhau.

Vì sự công bằng của mẹ nên chị cũng quên đi câu chuyện mẹ chỉ là mẹ kế. Ngày anh trai chị lấy vợ, bà đứng lên lo toan và nhà ngoại chị sang chứng kiến cũng thấy hài lòng.

Còn chị kể chị phá vỡ hàng rào ngăn cách ở giữa nên chị cảm thấy may mắn. Mẹ đẻ chị đã đi rồi, giờ chị chỉ còn mẹ nên tình cảm ấy đã bù đắp cho sự mồ côi sớm của chị. Mọi thứ khó khăn xuất phát từ nghi kỵ. Chị bảo hồi bé nghe mọi người nói về dì ghẻ nên khi bố lấy vợ chị sợ lắm. Thế nên chị nói tuyệt đối không bao giờ tiêm vào đầu trẻ con những thứ ám ảnh ấy, bởi nếu tiêm nhiễm điều đó chúng không thể nào mở lòng với người mẹ đến sau. Và người mẹ đến sau nếu cũng tự nghĩ con chồng thì bao giờ tin mình thì càng xa cách nhau, càng khó hòa hợp. Bỗng dưng tôi nhận ra sự công bằng trong gia đình là quan trọng và công bằng được trong tình cảm càng quan trọng hơn. Với những đứa trẻ không may mồ côi sớm, đừng khiến chúng bất hạnh hơn nữa bởi lời dọa “mẹ kế con chồng” khiến chúng phải ám ảnh. Có niềm tin vào điều tốt đẹp, điều tốt đẹp sẽ dễ tới hơn, giống như chị bạn tôi và người mẹ thứ hai của chị ấy.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn