1. Để thức ăn nguội hẳn
Ngay khi bạn phát hiện thấy mùi khét, cần chạy đến và tắt bếp ngay lập tức. Chú ý, món ăn bị cháy thì có lẽ nhiệt độ lúc đó khá cao, vì vậy, bạn nên sử dụng găng tay khi nhấc nồi thức ăn đang nóng ra khỏi bếp, tránh thức ăn không bị cháy thêm nữa. Sau đó đợi món ăn nguội hoàn toàn, để nhanh hơn bạn có thể dùng một chiếc khăn ướt đậy lên chiếc nồi hoặc chảo có chứa phần thức ăn bị cháy và chờ cho đến khi chiếc khăn nguội hoàn toàn. Đây là bí quyết giúp lấy đi mùi khói và khét còn vương lại trên thức ăn.
2. Lấy những phần thức ăn bị cháy ra ngoài
Với các món nướng: Để cứu vãn các món nướng bị cháy thì cách duy nhất đó là dùng kéo cắt bỏ phần đã bị cháy quá, không còn ăn được và tận dụng các phần còn lại hơi bị hay chưa bị cháy.
Với các món chiên, rán: Đối với những món ăn này khi bị cháy cách xử lý rất đơn giản. Đầu tiên bạn cần phải nhanh chóng tắt bếp và gắp thức ăn ra khỏi chảo dầu. Sau đó hãy dùng dao hoặc kéo cắt bỏ đi phần bị cháy. Đối với phần còn lại chưa chín hoặc chưa bị cháy, bạn có thể cho vào chảo đã được rửa sạch chiên lại. Lưu ý bạn nên dùng dầu mới, không nên dùng lại dầu cũ vì sẽ làm món ăn dễ cháy khét và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Với món kho: Khi món kho bị cháy, bạn cần nhanh chóng tắt bếp và gắp phần thức ăn không bị cháy ra ngoài. Tuy nhiên, không nên vì tiếc rẻ mà lấy cả những phần cháy ít vì sẽ có mùi khét, ăn sẽ không ngon. Tiếp đó, bạn hãy dùng nước ấm sửa sạch lại phần thức ăn chưa bị cháy và cho vào nồi sạch nấu lại.
Với các món canh, súp: Có không ít bà nội trợ lo lắng, khi nấu canh hoặc các món súp bị cháy thì rất khó có thể cứu vãn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể "chữa cháy" bằng cách dùng muỗng hớt phần bên trên ra và chuyển sang một nồi sạch khác để nấu tiếp. Để tránh bị vớt phải phần cháy, bạn nên với một cách nhẹ nhàng.
3. Cho thêm nước
Đối với những món có kết cấu chắc và cứng như thịt, cá hay rau củ… bạn hãy rửa sạch phần thức ăn đã cháy dưới vòi nước để có thể làm sạch hết những mảng cháy còn bám trên thức ăn. Sau đó thì có thể chế biến lại như bình thường.
4. Lau khô thức ăn và nấu lại
Đối với những thực phẩm như cá, thịt một số củ... sau khi rửa sạch, bạn cần làm khô nước trước khi chế biến lại, bằng cách dùng khăn giấy để thấm nước còn lại trên thực phẩm. Sau khi làm khô, thì bạn dùng thực phẩm này để chế biến lại bằng cách bắc lên bếp và tiếp tục đun. Lúc này bạn không cần nêm nếm quá nhiều gia vị vì nó đã ngấm 1 lần gia vị rồi.
5. Cho thêm sốt, gia vị
Để món ăn không có mùi và đậm đà hương vị, vừa ăn. Sau khi đã xử lý xong phần bị cháy, bạn nên cho thêm gia vị và nêm nếm vừa ăn là được. Ưu tiên các loại gia vị như tiêu, ớt, … Bên cạnh đó, để ngon hơn bạn nên cho thêm một ít nước sốt, tùy theo món ăn mà cho nước sốt phù hợp. Chẳng hạn nếu là món cá chiên thì nên cho thêm nước sốt cà chua. Còn riêng đối với món canh hoặc súp để làm mất mùi khét bạn nên cho thêm vào một ít thịt xông khói sẽ ngon hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, những cách trên chỉ áp dụng khi đồ ăn mới bị cháy xém một phần ở bên ngoài. còn trong trường hợp, đồ ăn đã cháy khét toàn bộ, thì cách tốt nhất là bạn nên bỏ đi không nuối tiếc.