Có nên chan canh vào cơm khi ăn?
Khi ăn cơm, nhiều người có thói quen chan canh để dễ nuốt hơn, đặc biệt là đối với người già răng kém.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho hay, thói quen cơm chan canh không tốt cho sức khỏe vì mọi người thường có xu hướng ăn vội, nuốt nhanh.
Ngoài ra, cơm hay thức ăn khi vào cơ thể chỉ cần một lượng nước rất nhỏ để hỗ trợ tiêu hóa, trong khi thói quen chan canh vào cơm khi ăn lại cung cấp lượng nước quá lớn, rất không tốt.
Thêm vào đó, khi nhai, nước bọt không ngừng được tiết ra để làm ẩm thức ăn, giúp việc nghiền nhỏ diễn ra nhanh hơn, enzyme trong nước bọt trộn lẫn với thức ăn, giúp quá trình tiêu hóa và hấp thụ diễn ra hiệu quả hơn.
Khi ăn cơm chan canh, thức ăn được nuốt nhanh, chưa kịp thấm nước bọt đã trôi xuống dạ dày, tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Nhiều chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyến cáo nên từ bỏ việc ăn cơm chan canh bởi thói quen này khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến đau dạ dày hoặc các vấn đề khác về tiêu hóa.
Việc thường xuyên ăn cơm chan sẽ làm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng giảm hiệu quả, lượng dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thụ vào cơ thể ít đi, dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu và các bệnh lý khác.
Đối với người cao tuổi gặp khó khăn trong việc nhai và nuốt, nên uống vài ngụm canh trước khi ăn để đồ ăn khô và cứng không gây kích ứng đường tiêu hóa. Nên nấu cơm mềm hoặc ăn các món dưới dạng cháo, súp và hình thành thói quen nhai chậm, nhai kỹ.
Những người có tiền sử đau dạ dày càng không nên chan canh vào cơm khi ăn vì sẽ khiến cho hệ tiêu hóa phải làm việc nặng, khiến bệnh tiến triển xấu hơn.
Với trẻ em, nhất là trẻ đang trong giai đoạn tập ăn, nhiều phụ huynh cho con ăn cơm chan canh cho nhanh, khiến trẻ hấp thu được ít chất dinh dưỡng do cơm chan canh tạo cảm giác no ảo. Lâu ngày, trẻ còn hình thành thói quen lười nhai, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cơ hàm và khuôn mặt.
Các chuyên gia khuyên, tốt nhất chỉ nên uống nước trước và sau bữa ăn. Người lớn nên uống canh trước khi bắt đầu bữa cơm, hoặc ăn canh sau cùng.
Sai lầm khi ăn cơm
Ăn cơm nguội
Việc ăn phải cơm nguội để lâu quá nhiều ngày sẽ rất dễ đưa bệnh vào người, kể cả khi cơm nguội không có dấu hiệu của chua, thiu hoặc đã được rang hoặc hâm nóng lại thì vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Các biểu hiện điển hình của việc ngộ độc đó là buồn nôn, chóng mặt. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, mọi người chỉ nên ăn cơm nóng hoặc cơm nóng vừa được để nguội. Nếu ăn không hết, cơm phải được bảo quản trong tủ lạnh, không quá 24h. Khi cơm có dấu hiệu bất thường thì không nên ăn để đảm bảo sức khoẻ.
Không nhai kĩ cơm
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc ăn cơm nhanh và không nhai kĩ sẽ không tốt cho dạ dày.
Lúc này, cơm sẽ không được nghiền nhỏ mà cứ thế đi xuống, gây gánh nặng cho dạ dày.
Ăn quá nhiều cơm
Trong cơm chứa một lượng đường lớn. Nếu ăn nhiều cơm sẽ khiến lượng đường trong máu cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và gây ra những biến chứng tim mạch như: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Vì vậy, người trưởng thành có mức lao động và thể lực trung bình chỉ nên ăn trung bình mỗi bữa 2 bát cơm là đủ.