Bệnh từ miệng vào là câu dân gian đã truyền từ lâu. Thực tế các bác sỹ cũng thường khuyến cáo về lối ăn uống để giảm nguy cơ gây bệnh. Bệnh từ miệng vào không chỉ là do chọn thức ăn gì, ăn món gì, ăn nhiều hay ít, mà đến từ cách nấu nướng trong gia đình. Nếu gia đình bạn quen với các nấu nướng dưới đây thì nguy cơ suy giảm sức khỏe rất cao:
Nấu bằng nồi cơm điện, chảo nấu bị bong lớp chống dính
Đồ chống dính ra đời giúp người nội trợ nhiều thuận tiện trong nấu nướng nhưng khi lớp chống dính bong tróc trầy xước thì chúng lại gây hại cho người dùng. Lớp chống dính thường là lớp phủ teflon, dùng lâu có thể bị trầy xước hoặc bong tróc gặp nhiệt độ cao sẽ phân hủy ra chất độc hại có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư. Do đó hãy thay nồi chảo chống dính khi chúng hỏng, trầy xước.
Đun dầu quá nóng
Chúng ta thường nghĩ dùng dầu ăn là an toàn nhưng khi đun nóng, dầu bốc khói mới thả thức ăn vào chiên rán thì sẽ phá hủy các vitamin, protein và các chất dinh dưỡng khác trong thực phẩm, mà còn có thể sản sinh ra các chất gây ung thư như acrylamide, benzopyrene, làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Hơn nữa nếu đun nóng chảo chống dính mới cho dầu vào cũng làm chảo chống dính nhanh hỏng và sản sinh ra chất độc. Do đó hãy lau khô chảo, cho dầu vào đun nóng vừa thì thả thức ăn vào.
Dùng một nồi chảo nấu nhiều món liên tiếp không rửa
Đôi khi chúng ta tiện nên dùng chảo chiên rán xong lại cho ngay món xào rau vào, bỏ rau ra đĩa lại cho tiếp hành mỡ vào làm món trứng chiên cà chua chẳng hạn... Cách làm đó tiết kiệm thời gian nhưng nồi chảo không còn sạch sẽ, thực chất chứa nhiều dầu mỡ và cặn thức ăn. Khi dầu đun tiếp ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất ung thư, cặn cháy cũng dễ tạo ra các chất gây hại cho cơ thể.Chiên thực phẩm ngập trong dầu. Do đó hãy tránh tình trạng này.
Chiên rán quá thường xuyên
Nhiều người thích ăn đồ chiên rán vì chúng hấp dẫn nhưng trong gia đình bạn làm quá nhiều món chiên rán sẽ không tốt cho sức khỏe. Các chất béo trong món chiên rán là chất béo chuyển hóa, hàm lượng calo cao. Ăn quá nhiều chất béo chuyển hóa có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu (mỡ máu), tăng lượng cholesterol “xấu” LDL và ức chế cholesterol HDL có lợi cho sức khỏe. Nếu thường xuyên ăn các món chiên rán sẽ tăng hàm lượng cholesterol và triacylglycerol trong máu. Đó chính là nguyên nhân làm tăng bệnh xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch huyết áp, tiểu đường.
Hay làm món nướng cháy, xào cháy xém
Đồ ăn nướng cháy xém thường có hương thơm kích thích nên nhiều gia đình thích nướng hoặc xào nấu kỹ cho xém chảo. Nhưng khi bị cháy thức ăn sản sinh thành chất độc gây hại cho cơ thể, tăng nguy cơ ung thư, tim mạch, béo phì.
Dùng dầu cũ nhiều lần
Khi chiên rán chúng ta cần dùng nhiều dầu mỡ, bỏ đi thì phí nên nhiều người cất đi bữa sau dùng tiếp, dùng xong lại đổ vào bát đó, lại dùng lại cho lần sau... Cách dùng này khiến cho chúng sinh ra nhiều chất gây ung thư như benzopyrene, acrylamide, amin dị vòng. Nếu sử dụng lại để nấu ăn, hàm lượng chất gây ung thư có thể tăng cao trong quá trình này.
Nấu thức ăn hâm nóng lại nhiều lần
Nhiều gia đình muốn tiết kiệm thời gian nấu nướng
nên thường nấu một bữa nhiều rồi bữa sau hâm nóng lại. Cách làm này thường làm giảm dinh dưỡng trong món ăn và còn khiến cho thức ăn sản sinh ra những chất độc. Việc cất thức ăn trong tủ lạnh rồi mang đi hâm nóng lò vi sóng cũng không tốt cho sức khỏe.
Thớt, đũa bị mốc không được thay thế kịp thời
Thớt đũa trong bếp bị nấm mốc dễ chứa aflatoxin độc hại gấp 68 lần asen và có thể gây ung thư gan. Những vết xước trên thớt sẽ mọc mốc li ti và khó làm sạch. Nhiều người đun sôi hoặc phơi nắng đũa, thớt, nhưng aflatoxin chỉ phân hủy ở nhiệt độ 280°C nên hai phương pháp này khó loại bỏ. Vì thế nên làm sạch thớt, đũa ngay sau khi sử dụng, đặt nơi thoáng gió cho khô và thay thế kịp thời khi có nhiều vết xước rõ ràng và mốc.
Kết hợp thực phẩm không hợp lý
Đôi khi chúng ta nấu ăn do thói quen mà không tìm hiểu kiến thức khoa học nên kết hợp thức ăn không hợp lý. Ví dụ người Việt có món gan xào đỗ giá cực kỳ quen thuộc nhưng đó lại là sự kết hợp sai lầm vì làm mất giá trị dinh dưỡng. Hay ví dụ khoai tây, củ sen, khoai mỡ đều chứa một lượng lớn carbohydrate, nếu ăn chung với cơm sẽ làm tăng nguy cơ béo phì. Hay cháo và dưa chua là món được nhiều người thích nhưng thường xuyên ăn dễ dẫn đến thiếu dinh dưỡng và "đói tiềm ẩn".Do đó bạn nên chú ý khi kết hợp các thực phẩm với nhau.