Trẻ học được những điều này càng sớm thì cha mẹ càng yên tâm về tương lai của con

09:06, Thứ hai 02/10/2023

( PHUNUTODAY ) - Trẻ nhỏ được dạy điều này, lớn lên thành công, trở thành những người ưu tú, dù ở xa con nghìn trùng cha mẹ cũng không lo

Giáo dục trong gia đình là nền tảng để con thành công. Thế nên cha mẹ tuyệt đối không thể giao phó tương lai con mình hoàn toàn vào giáo dục nhà trường. Báo cáo của YMCA, Mỹ nghiên cứu trên 10.000 gia đình cho thấy 75% những thứ cần cho sự thành công và hạnh phúc của 1 đứa trẻ được hình thành từ chính gia đình của chúng. Đặc biệt có 6 bài học dưới đây cha mẹ dạy được cho con từ nhỏ thì trẻ càng thành công, lớn lên tự lập tự chủ và chín chắn vững vàng. 

long biet on

Dạy trẻ biết ơn về những thứ có được

Cha mẹ nào cũng muốn mang cho con điều tốt đẹp nhất. Ngày nay trẻ từ khi sinh ra đã có rất nhiều thứ từ quần áo, đồ ăn, đồ chơi, sách, thú nhồi bông… Mỗi lần cho con thứ gì hãy dạy con cám ơn, khi nhận gì từ ai đó hãy nói cám ơn. Hãy bắt dầu từ chính mình, nuôi lòng biết ơn  trong mình khi đối xử với chồng con, người thân. Để con tự thấm dần hơn là giáo lý suông còn cha mẹ thì không thực hành. Khi được ai cho gì, giúp gì hãy nói với con về sự biết ơn của mình. Hơn nữa để dạy về bài học biết ơn, trẻ cần được dạy về cuộc sống "vừa đủ", hơn là luôn được dư thừa. Khi trẻ có cuộc sống chỉ vừa đủ, trẻ sẽ nhận ra giá trị của từng thứ trẻ có và khi nhìn những người khác trẻ sẽ cảm thấy biết ơn khi mình có nó.

Trung thực

Trẻ thường không biết nói dối mà trẻ học điều đó từ người lớn và hoàn cảnh. Nói dối là 1 hành vi học được từ môi trường bên ngoài. Có 2 loại môi trường có thể ảnh hưởng đến hành vi nói dối của trẻ: môi trường ảnh hưởng lâu dài (từ cha mẹ chúng) và môi trường ngắn hạn (từ bạn bè, thần tượng, anh chị,…). Thế nên để con không nói dối cha mẹ cần bình tĩnh, đừng la mắng, luôn tỏ ra thông cảm khi con mắc lỗi để con dám nói thật, sau đó cùng con khắc phục. Và chính bản thân chúng ta phải trung thực trước. Đừng cho là con không biết gì nên nói qua loa qua quýt, con sẽ cho đó là nói dối và học theo.

khong phan xet

Không phán xét người khác

Phán xét là một trạng thái khiến trẻ trở thành người xấu xí hơn nữa mất tập trung vào bản thân mình. Trẻ đôi khi không hiểu nên chúng ta cần hướng dẫn khi con phát ngôn những lời bình phẩm phán xét người khác. Và chính chúng ta đừng phán xét nhau. Khi con đưa ra những lời như "chú này mập quá", "cô ấy xấu quá mẹ"… lúc này bạn chỉ đơn giản nói "mẹ không biết, và mẹ cũng không nhận xét ai con ạ". Tuyệt đối không so sánh con mình với con người khác, so sánh chồng mình với người khác. Muốn con học được gì, muốn dạy con điều gì thì chính chúng ta phải học điều đó trước đã. 

Học về thất bại và chấp nhận sai để sửa sai

Thực ra thất bại và chiến thắng là 2 mặt của 1 đồng xu, không thể tách rời. Trẻ con thường không biết cảm giác của thất bại, mà chỉ biết cảm giác vui vẻ của sự chiến thắng. Cuộc sống không bao giờ suôn sẻ hoàn toàn. Không chấp nhận thất bại, không dám nhận sai để sửa sai mới thực sự đáng sợ. Bởi đó sẽ là cuộc khủng hoảng kinh hoàng. Vì thế bạn cần dạy cho con biết nhận lỗi. Bạn là người sai hãy nhận sai trước mặt con, xin lỗi con. Đừng lý thuyết, hãy thực hành cho con hiểu. Đối mặt được với thất bại sẽ có bước tiến thành công. Và tuyệt đối không tạo chiến thắng giả tạo cho con để xoa dịu tức thời. Đó không rèn luyện nội lực ở con mà chỉ giải quyết tình thế. Và điều đó sẽ khiến trẻ sợ thua, sợ sai, trẻ hiếu thắng. Dạy trẻ chấp nhận thất bại cũng như biết thừa nhận sự yếu kém hay lỗi lầm của bản thân là cách giáo dục đúng đắn về công bằng.

tu cham soc

 Lắng nghe trước khi nói

Học lắng nghe còn khó hơn học nói. Lời nói quát mắng với trẻ là ví dụ để trẻ học về sự yếu kém trong khả năng lắng nghe của người lớn. Khi lớn trẻ sẽ dùng cách này để giao tiếp lại với chúng ta. Bạn cũng cần lắng nghe con tôn trọng con. Từ đó trẻ sẽ học được tính cách này. Khi trẻ nói leo, giành nói hãy để con nói hết câu rồi đề nghị con lắng nghe người khác, không nói xen vào. Cái cách mà mọi người tranh nhau nói, cố hét to hơn để bắt người khác im lặng không giải quyết được gì. Dạy cho con hiểu giá trị của lắng nghe.

Biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân

Yêu con thương con nhưng đừng cắt đứt đi khả năng tự lập của con bạn nhé. Dạy trẻ tự chăm sóc bản thân chính là cách để con tự lập đi đâu cũng sống được, hoàn cảnh nào cũng vượt qua được. Một đứa trẻ lớn lên trong đùm bọc giống như nuôi những con cừu được vây quanh bởi 1 hàng rào, thì chúng rất thiếu các kỹ năng cần để tự chăm sóc bản thân vì chúng nghĩ rằng hàng rào có thể ngăn chúng khỏi mọi nguy hiểm. Những con cừu ỷ lại vào chiếc hàng rào, mà mất đi cảnh giác về các tiếng động nhỏ như tiếng bước chân của con sói. Chúng ta không theo con được mãi, nên phải nghĩ tới tình huống hàng rào đó bị phá vỡ. Lúc đó con sẽ rất khổ. Khi nhỏ, trẻ bị bệnh không có nghĩa là cứ nằm đó xem TV, iPad… để được chăm sóc, mà thay vào đó cho trẻ có cơ hội vận động, vui chơi, tham gia tự chăm sóc bản thân mình như tự lấy nước uống, lấy cam mẹ gọt sẵn để ăn, tự báo cáo với mẹ khi thấy đỡ mệt... Và cho con biết vận động sẽ giúp con khỏe nhanh hơn. Hãy cho trẻ có vai trò trong chính cuộc sống của chúng. Đó mới là những đứa trẻ mà khi lớn lên biết chăm sóc mình, và chăm sóc người khác. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: An Nhiên