Trong việc nuôi dạy con cái chúng ta thường vấp phải nhiều tình huống làm mình muốn nóng giận nhưng nếu không học cách kiểm soát hành vi của chính mình thì rât khó đào tạo ra được những đứa con xuất sắc. Bởi thế mới nói dạy con cũng là dạy mình, con lớn là cha mẹ cùng lớn theo. Và những bố mẹ tuyệt vời có những đứa con thành đạt chính là họ đã kìm chế được bản năng của mình để dạy con hướng dẫn con một cách tốt nhất, trong một không khí vui vẻ nhất.
Do đó khi nuôi dạy con cha mẹ cần chú ý 3 hành vi sau đây:
Cha mẹ không kiểm soát được cảm xúc thì con cái cũng bất ổn
Có một thực tế diễn ra ở nhiều gia đình là cha mẹ khó kiểm soát được cảm xúc nên khi có một bất đồng xảy ra, hoặc khi con mắc lỗi thì cha mẹ rất nhanh chóng la lối mắng mỏ con và không kiên nhẫn nghe con giải thích. Cách mà cha mẹ thiếu kiểm soát cảm xúc sẽ dẫn tới việc con cái cũng muốn nổi cáu trở lại vì bức xúc và cảm giác không được lắng nghe.
Khi cha mẹ mất kiểm soát nói những lời khó nghe hoặc phớt lờ con theo kiểu "Bố mẹ không muốn nghe", "Con sẽ chẳng làm được gì", "Con sẽ..." thì con trẻ cũng sẽ như vậy. Hai bên căng thẳng sẽ rất có hại lên sự phát triển não bộ của con. Tiếp xúc môi trường như vậy lâu dần trẻ không học được cách điều tiết cảm xúc của mình. Cuối cùng trẻ lớn lên là một người thiếu kiểm soát cảm xúc, và điều đó vô cùng tệ hại trong giao tiếp xã hội và dẫn tới việc trẻ khiến người xác xa lánh, sợ hãi.
Nhiều cha mẹ phàn nàn muộn phiền về con mình, như con nóng nảy, con không tươi tỉnh không vui vẻ, hay nhăn nhó... Lúc ấy hãy nhớ lại xem có phải chính mình cũng vậy không. Bởi lẽ những vấn đề của con cái thường phản ánh những vấn đề của chính cha mẹ. Những cảm xúc mà cha mẹ sử dụng khi giao tiếp với con cũng thường là những gì con dùng để đối đãi lại với cuộc sống.
Nếu cha mẹ có tâm lý ổn định, cảm xúc tốt năng lượng tích cực thì con cái cũng sẽ nhận được những điều đó. Một môi trường giáo dục gia đình tốt tốt bắt đầu từ việc cha mẹ thay đổi cảm xúc của chính mình, để con cái từng bước nhận được sự ấm áp, từ đó trở thành một người hiền lành và vui vẻ. Cảm xúc của cha mẹ chính là cuộc đời con sau này nên nhớ cẩn trọng.
Cha mẹ hay nóng giận khiến trẻ mất tự tin, nhụt ý chí, ngại thử thách
Môi trường giáo dục gia đình sẽ quyết định tương lai của trẻ, cách trẻ chọn đường đi cho mình. Nếu cha mẹ dễ nóng giận khi con không được theo ý mình, khi còn sai lầm sẽ khiến trẻ tìm cách trốn tránh, trẻ sợ hãi, kém tự tin. Nếu cha mẹ lăng mạ xúc phạm con cái khi thấy con sai thì trẻ sẽ sợ hãi không dám kể thật trong những lần sau và chúng tìm cách lấp liếm những sai lầm, sau đó sống trong sợ hãi, thiếu tự tin nhụt chí và luôn né tránh vấn đề. Những đứa con như thế cũng không tìm tới cha mẹ để tâm sự nữa mà chúng sẽ giấu diếm hoặc tìm người khác để bày tỏ. Và như thế tình cảm cha mẹ với con cái ngày càng xa cách hơn. Cuối cùng cuộc đời của con sẽ luẩn quẩn trong trốn tránh sợ hãi không bao giờ dám đối diện thẳng thắn với vấn đề của mình.
Bởi vậy cha mẹ hãy thực sự là người đồng hành của con, bao dung lắng nghe, chỉ cho con những lỗi sai và hướng dẫn con. Môi trường giáo dục vui vẻ ấm áp tự tin mới giúp con dũng cảm và trở thành một người dám nhận sai sửa sai.
Cha mẹ còn thói quen xấu sao dạy con phải trở nên tốt đẹp
Trẻ nhỏ học theo người lớn. Thế nên khi cha mẹ bừa bộn không có kỷ luật sao có thể ép con vào kỷ luật. Nếu cha mẹ còn bừa bãi và giữ nhiều thói quen xấu thì làm sao khiến đứa trẻ phát triển tốt được.
Do đó khi cha mẹ rèn luyện những thói quen tốt thì trẻ cũng sẽ học được điều đó và làm theo. Người ta nói nhìn con cái biết cha mẹ, nhìn cha mẹ biết con cái là vì vậy. Nề nếp gia đình, thói quen cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng lên con cái. Cha mẹ chính là khuôn mẫu đầu tiên và gần gũi với con nhất, giúp con cái phát triển.
Nếu cha mẹ lười nhác không chịu dọn dẹp, con cái cũng sẽ quen theo lối đó mà thực hành. Nếu cha mẹ chăm chỉ, trẻ cũng sẽ chăm chỉ theo. Cha mẹ là người ham đọc sách yêu thích đọc sách thì con cái cũng sẽ yêu thích theo, và nghe theo đọc theo cha mẹ.
Cha mẹ thường xuyên đọc sách, ham đọc sách thì con cái cũng sẽ có thói quen này. Ngược lại cha mẹ không chịu đọc sách lại cứ nói con phải đọc đi thì sẽ không hề thuyết phục chút nào. Có chuyên gia giáo dục từng nói rằng: Những quy tắc nuôi dạy con cái quan trọng nhất là tập trung vào bản thân các bậc phụ huynh. Trước tiên, cha mẹ phải giải quyết được vấn đề của chính mình trước khi thiết lập mối quan hệ cha mẹ và con cái lý tưởng. Điều đó cho thấy dạy con đừng nói là con phải thế này thế kia, mà hãy là mình cần thế này thế kia để con học theo thay đổi.
Làm cha mẹ là cả một quá trình học hỏi và phát triển bản thân mình để từ đó con cái học hỏi theo và phát triển theo.